Đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động
Thông tin từ Sở LĐ-TBXH cho biết, trong năm 2023, toàn tỉnh có hơn 80 ngàn công nhân lao động nghỉ việc, giãn việc và gần 40 ngàn người bị mất việc, thôi việc. Đây là con số tương đối lớn, cho thấy nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động khá khó khăn, làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập của người lao động (NLĐ).
Phần lớn NLĐ bị mất việc sau khi lãnh bảo hiểm thất nghiệp vẫn đang chờ cơ hội tìm việc làm mới trong năm 2024, khi nền kinh tế đã bắt đầu “sáng” dần lên, đơn hàng tại nhiều DN dồi dào trở lại. Một số khác làm những công việc thời vụ, lao động tự do để có ngay thu nhập trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Số ít lao động tự học tập, nâng cao trình độ, từ lao động phổ thông có thể xin vào làm ở những vị trí của lao động kỹ thuật thuộc những ngành nghề mà nhu cầu tuyển dụng đang lớn.
Tuy nhiên, có một nghịch lý là trong khi số lao động thất nghiệp gia tăng thì nhiều DN lại không thể tuyển được lao động mới. Nghịch lý này có thể thấy rõ tại các phiên giao dịch việc làm gần đây, DN tuyển dụng nhiều nhưng hồ sơ ứng tuyển hạn chế và số trúng tuyển rất ít, chưa đủ số lao động DN cần. Ngay cả với lao động phổ thông, không đòi hỏi nhiều về trình độ, tay nghề cũng đang dần khó tuyển, dù nhiều DN đã tích cực kết nối với các địa phương phổ biến rộng rãi về nhu cầu tuyển dụng, đặc biệt là chính sách, chế độ đãi ngộ khi vào DN làm việc.
Theo nhiều chuyên gia, nghịch lý về cung - cầu lao động đã diễn ra từ lâu, do nhiều nguyên nhân. Trong đó có thể thấy thị trường lao động đang bị ảnh hưởng, tác động của tình hình kinh tế - chính trị thế giới dẫn đến những xáo trộn đáng kể thời gian qua. Lao động cũng có xu hướng dịch chuyển từ khu vực này qua khu vực khác, nhất là sau đại dịch Covid-19, dẫn đến một số địa phương trước kia vốn có thế mạnh thu hút lao động nay giảm sức hút. Công tác thông tin, dự báo, kết nối cung - cầu lao động ở các địa phương cũng chưa thực sự tốt khiến cho tình trạng NLĐ thì thất nghiệp, trong khi DN cần tuyển dụng lại không tuyển được lao động.
Để khắc phục tình trạng này, ngoài những giải pháp mang tính lâu dài về đào tạo, chế độ, chính sách…, việc cần làm ngay và phải làm tốt chính là các đơn vị chức năng, địa phương phải tăng cường kết nối cung - cầu lao động, không thể để cung một đằng, cầu một nẻo hoặc ngược lại. Chỉ khi cung - cầu gặp nhau mới góp phần phục hồi, phát triển thị trường lao động một cách linh hoạt, hiệu quả, hạn chế những nghịch lý như hiện nay.
Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202401/day-manh-ket-noi-cung-cau-lao-dong-39948f7/