Đẩy mạnh kết nối cung cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Sáng 28-5, tại Nhà khách Chính phủ (số 2 Lê Thạch), Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Sở Công Thương Hà Nội và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội phối hợp tổ chức 'Hội nghị kết nối cung cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2020'. Bên lề hội nghị, khu trưng bày quy mô 50 gian hàng giới thiệu các sản phẩm hàng Việt đã diễn ra tại Vườn hoa Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm).
Tham dự hội nghị có Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu. Hội nghị thu hút sự tham gia của 200 doanh nghiệp công nghiệp chủ lực, sản xuất hàng tiêu dùng, vườn ươm khởi nghiệp sáng tạo, thủ công mỹ nghệ, nông sản thực phẩm, du lịch, dịch vụ, bảo hiểm, ngân hàng..
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cùng lãnh đạo các sở, ngành thành phố tham quan các gian hàng tại khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm hàng Việt.
Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, trong những tháng đầu năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp cả nước và Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP (May 10) cho biết, hiện kim ngạch xuất khẩu của đơn vị bị giảm khoảng 40% so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19. Để giảm rủi ro, May 10 xác định phát triển thị trường nội địa, đồng thời đa dạng hóa nguồn nguyên liệu và thị trường xuất khẩu.
Nói về những khó khăn của các làng nghề thủ công mỹ nghệ, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ mây tre đan Chương Mỹ cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến phần lớn các cơ sở sản xuất của làng nghề phải đóng cửa, hoặc sản xuất cầm chừng do khó khăn về “đầu ra”.
Mở hướng kết nối cho doanh nghiệp sản xuất, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH bán lẻ BRG thông tin, Tập đoàn BRG đã giao Công ty TNHH bán lẻ BRG là đầu mối mua hàng hóa từ các nhà cung cấp để phục vụ nhu cầu của các công ty thành viên trong tập đoàn, như: Chuỗi hơn 100 siêu thị (Intimex, FujiMart, Hapro Mart, Seika Mart), hệ thống 7 sân golf, chuỗi các khách sạn thương hiệu quốc tế (Hilton, Inter Continental Hanoi Westlake, Four Seasons, Sheraton Grand Đà Nẵng Resort...), các công ty thành viên khác của Tập đoàn BRG.
Ngoài ra, hàng hóa nông sản Việt như gạo, hạt tiêu, điều, cà phê… và hàng thủ công mỹ nghệ chất lượng cao sẽ được mua nhiều hơn theo chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu của BRG. Tổng giá trị mua hàng của BRG khoảng 15.000 tỷ đồng/năm với mức tăng trưởng dự kiến 20%/năm.
Đẩy mạnh kết nối, xúc tiến thương mại
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu, Hà Nội hiện có 284.484 doanh nghiệp và mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước. Với dân số 10,3 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn, có thể nói Hà Nội là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn, có khả năng tập trung, đưa luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu; có nhiều cơ hội hợp tác, giao thương để phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm bền vững và bình ổn thị trường.
Để đưa được hàng vào hệ thống phân phối, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH bán lẻ BRG cho rằng, các nhà cung cấp phải cam kết sản xuất và đưa ra thị trường các sản phẩm chất lượng theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, các mặt hàng tươi sống phải bảo đảm các quy trình nghiêm ngặt từ khâu trồng trọt, chăn nuôi đến sơ chế, bảo quản… bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đánh giá chất lượng hàng hóa nông sản nói chung của thành phố Hà Nội và cả nước đã có sự tiến bộ rõ rệt, ông Choi Dong Chul - Phó Giám đốc Cơ quan Xúc tiến thương mại - đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, 50 doanh nghiệp Hàn Quốc tham dự hội nghị kết nối cung cầu mong muốn kết nối chặt hơn với các doanh nghiệp Việt Nam để chế biến sản phẩm sâu hơn nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới.
Còn theo ông Hồ Tỏa Cẩm - Tham tán Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, bình quân mỗi năm, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 150 tỷ USD hàng nông sản. Năm 2019, tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 1,6 tỷ USD, như vậy còn rất nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác. Đặc biệt, Việt Nam đang sản xuất rất nhiều nông sản như vải, cà phê, hạt điều… được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Bộ Công Thương, chính quyền các địa phương đẩy mạnh xúc tiến hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định, hội nghị là một trong những hoạt động khôi phục phát triển kinh tế trong giai đoạn bình thường mới, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng nội địa. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh các địa phương, tổ chức xúc tiến thương mại của nước ngoài tại Việt Nam gặp gỡ, kết nối tiêu thụ hàng Việt Nam tại thị trường trong nước và xuất khẩu.