Đẩy mạnh kết nối, điều tiết để bình ổn thị trường

Ngày 30-12, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị sơ kết công tác phối hợp thực hiện chương trình bình ổn thị trường giữa TP Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ.

Năm 2019, hoạt động thương mại, dịch vụ tại TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ diễn ra sôi động, nhu cầu tiêu dùng tăng, thị trường tiêu thụ được mở rộng, nguồn cung hàng hóa dồi dào, chất lượng tốt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khá, ước đạt 2.112.680 tỷ đồng (tăng 12,03% so với năm 2018; cao hơn bình quân cả nước là 11,8%). Diễn biến cung-cầu, giá cả thị trường phần lớn các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tương đối ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) các địa phương đều đạt mục tiêu đề ra. Các Sở Công Thương có sự phối hợp chặt chẽ trao đổi thông tin thị trường, giá cả để kịp thời điều tiết hợp lý…

 Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Trong năm 2019, hội nghị kết nối cung-cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ có 2.341 doanh nghiệp thuộc 45 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia; ký kết 513 hợp đồng giữa các doanh nghiệp, nhà phân phối và nhà cung ứng của TP Hồ Chí Minh.

Các doanh nghiệp bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh đã đầu tư 18 nhà máy, cơ sở sản xuất; 33 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng tại miền Tây Nam Bộ với tổng số vốn đầu tư lên tới 12.066 tỷ đồng. Hệ thống phân phối tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ có tổng cộng 308 siêu thị, 71 trung tâm thương mại, gần 2.000 chợ truyền thống, hơn 3.500 cửa hàng tiện ích… phục vụ hiệu quả nhu cầu mua sắm của người dân…

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đánh giá: Chương trình phối hợp bình ổn thị trường giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ đạt được nhiều kết quả khả quan. Các địa phương đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thành phố yên tâm đầu tư, liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng trang trại, đảm bảo cung ứng hàng hóa cho thành phố và cả khu vực. Sở Công Thương các địa phương cần tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin thị trường thường xuyên; chủ động hỗ trợ lẫn nhau để điều tiết hàng hóa khi thị trường có sự khan hiếm mặt hàng nào đó, nhất là thịt heo như hiện nay; tiếp tục duy trì hiệu quả các chương trình kết nối, bình ổn thị trường mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng…

Tin, ảnh: HOÀNG THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/day-manh-ket-noi-dieu-tiet-de-binh-on-thi-truong-606569