Đẩy mạnh kết nối giao thông vận tải ASEAN - Trung Quốc trong dịch Covid-19
Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN - Trung Quốc về Covid-19 thống nhất đẩy mạnh kết nối GTVT khu vực, để phục hồi, phát triển kinh tế.
Tăng cường kết nối giao thông vận tải ASEAN - Trung Quốc để phục hồi kinh tế
Chiều nay (16/7), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã tham dự Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng GTVT ASEAN - Trung Quốc về Covid-19 theo hình thức trực tuyến.
Ông Dato Abdul Mutalib Yusof, Bộ trưởng Bộ Giao thông và truyền thông Brunei Darussalam và ông Lý Tiểu Bằng, Bộ trưởng Bộ GTVT Trung Quốc đồng Chủ tịch điều hành hội nghị.
Hội nghị được tổ chức theo sáng kiến của Bộ GTVT Trung Quốc nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thông tin giữa các nước để vượt qua, thách thức lĩnh vực GTVT trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Đồng thời, bàn thảo các biện pháp thúc đẩy kết nối GTVT khu vực, để phục hồi, phát triển kinh tế.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Trung Quốc Lý Tiểu Bằng đã chia sẻ kinh nghiệm của Bộ GTVT Trung Quốc trong thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp vận tải trên toàn quốc duy trì hoạt động logistics bằng nhiều phương thức khác nhau như một cách để củng cố nền kinh tế và cuộc sống bình thường của người dân.
Nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa ASEAN - Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực thương mại, du lịch, đầu tư và GTVT, Bộ trưởng Lý Tiểu Bằng cho rằng Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động giao dịch giữa hai bên, đến ngành công nghiệp vận tải, du lịch trong khu vực.
“Trong bối cảnh này, làm thế nào để tiếp tục duy trì động lực hợp tác của chúng ta và duy trì một hệ thống vận chuyển và logistics ổn định, trơn tru ở Đông Á là một thách thức cấp bách đối với chúng ta. Chỉ thông qua sự đoàn kết và phối hợp, chúng ta mới có thể vượt qua thời gian khó khăn này”, Bộ trưởng Lý Tiểu Bằng nói.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chia sẻ các giải pháp kìm chế và ngăn chặn đại dịch Covid-19 ngay từ sớm của Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới cũng như các quy định của Bộ Y tế Việt Nam áp dụng vào các hoạt động GTVT nhằm hạn chế tối đa tác động của dịch Covid-19 đối với cộng đồng nhưng vẫn đảm bảo phát triển kinh tế.
Bộ trưởng cho biết, xác định dịch Covid-19 sẽ lây nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam, ngành GTVT tập trung các giải pháp trọng tâm vào các lĩnh vực hàng không, đường sắt, đường bộ… là những ngành người dân các nước có thể đi lại qua biên giới. Khi dịch Covid-19 bùng phát rộng tại các quốc gia, ngành GTVT đã có các biện pháp hạn chế dần vận tải hành khách, ngăn chặn nguồn lây từ nước ngoài vào Việt Nam.
Tất cả các hoạt động vận chuyển, cung ứng nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân được đảm bảo. Hoạt động vận tải vận chuyển hành khách thì hạn chế để ngăn ngừa lây lan của Covid-19. Qua các biện pháp trên, Việt Nam đã thành công ngăn chặn Covid-19 chỉ với 381 ca nhiễm trên 100 triệu dân, không có ca tử vong, kể cả các trường hợp người bệnh từ nước ngoài.
Để phục hồi nền kinh tế, từ đầu tháng 5/2020, Việt Nam chủ trương phát triển mạnh các hoạt động kinh tế nội địa, khôi phục lại vận tải hàng không, đường sắt, đường bộ. Đến nay, vận tải nội địa đã phục hồi và phát triển so với cùng kỳ 2019. 6 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 1,81%, dự kiến cả năm 2020 có thể tăng trưởng 3%.
Riêng lĩnh vực hàng không, trong tháng 7 vừa qua, ngành GTVT đã mở nhiều chuyến bay đón các hành khách công vụ, các nhà đầu tư. Trong thời gian tới, có thể mở đường bay tới một số quốc gia với điều kiện kiểm soát dịch chặt chẽ để đảm bảo Việt Nam là đất nước an toàn nhất.
“Đây là giai đoạn giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN - Trung Quốc cần tăng cường kết nối giao thông vận tải để phục hồi phát triển kinh tế trong giai đoạn sắp tới. Hy vọng hoạt động vận tải trong khối phục hồi, phát triển tốt hơn trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể bày tỏ.
Đảm bảo hệ thống giao thông và logistics kết nối thông suốt
Kết thúc hội nghị, các Bộ trưởng đã thống nhất ra Tuyên bố chung về đảm bảo hệ thống giao thông và logistics thông suốt nhằm đối phó Covid-19 và tái khởi động nền kinh tế.
Tuyên bố nêu rõ đại dịch Covid-19 toàn cầu đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế, bao gồm du lịch, sản xuất, thương mại, giao thông và các dịch vụ khác cùng với sự gián đoạn tới chuỗi cung ứng và thị trường tài chính. 90% chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu như năng lượng và nguyên liệu thô phụ thuộc vào hoạt động vận tải quốc tế.
Giao thông và logistics đóng vai trò quan trọng và tuyến đầu trong ứng phó với đại dịch Covid-19, đặc biệt trong cung ứng kịp thời các dịch vụ và hàng hóa thiết yếu. Vì vậy, các bên thống nhất tăng cường các ứng phó tập thể trên cơ sở hợp tác bền vững và đoàn kết thông qua tăng cường hợp tác trong lĩnh vực GTVT và logistics nhằm ứng phó với đại dịch trên quan điểm bảo đảm hoạt động thông suốt qua lại biên giới của hàng hóa thiết yếu, bao gồm thực phẩm, dược phẩm, sản phẩm nông nghiệp thiết yếu và các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác.
Cam kết chủ động triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo hoạt động vận tải của hàng hóa và nhiên liệu thiết yếu, bao gồm tạo thuận lợi trong xuất, nhập và quá cảnh hàng hóa.
Tăng cường hợp tác và điều phối với các tổ chức đa phương trong khuôn khổ Liên hiệp quốc gồm Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Hàng hải quốc tế, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế và các tổ chức quốc tế liên quan khác. Nhấn mạnh việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, tránh các hạn chế giao thông không cần thiết và đặc biệt đảm bảo các cảng biển luôn mở cửa để phục vụ cho hoạt động logistics quốc tế thông suốt.
Khuyến khích các cơ quan hữu quan tiếp tục gia hạn các chứng chỉ cho tàu thuyền và thuyền viên, chia sẻ các thông tin liên quan, cùng với đó, đảm bảo an toàn hàng hải cho chuỗi cung ứng thông suốt và hiệu quả.
Đẩy mạnh chia sẻ thông tin, kiến thức và phương pháp nhằm củng cố khả năng ứng phó đại dịch tại biên giới, cảng biển và cảng hàng không; tăng cường các khóa huấn luyện và bảo hộ dịch bệnh cho người lao động trong lĩnh vực GTVT; ngăn ngừa lây nhiễm virus qua biên giới và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm từ nước ngoài…
Mong muốn thúc đẩy mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc thông qua các mạng lưới và mô hình hợp tác hiện tại trong khuôn khổ Hợp tác GTVT ASEAN, xem xét khả năng tạo điều kiện cho việc đi lại song song với đảm bảo các biện pháp phòng dịch đồng thời tìm kiếm các khả năng phối hợp chính sách nhằm đáp ứng và hỗ trợ chuỗi cung ứng, chuỗi công nghiệp và giá trị toàn cầu…