Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, nhiều địa phương trên cả nước đã tổ chức các đoàn giám sát kiểm tra thực hiện Đề án 'Giảm thiểu hình trạng tảo hôn và cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 – 2025'. Từ đó, đưa ra các giải pháp phù hợp, từng bước đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các địa phương.
Mới đây, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Phú Thọ đã tổ chức đoàn giám sát về tình hình triển khai và kết quả thực hiện giai đoạn II, từ năm 2021 - 2025 của Đề án “Giảm thiểu hình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS ,giai đoạn 2015 - 2025”. Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, hiện nay, tỉnh Phú Thọ có 50 thành phần dân tộc, trong đó đồng bào DTTS chiếm 17,15%, đông nhất là dân tộc Mường, chiếm 14,92%. Theo kết quả điều tra của Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ, tại thời điểm năm 2019, trên địa bàn vùng đồng bào DTTS của tỉnh có 0,13% tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 16 vụ tảo hôn, tập trung vào hai huyện Thanh Sơn và Tân Sơn. Trong đó, huyện Tân Sơn có 9 vụ, huyện Thanh Sơn có 7 vụ. Tình trạng hôn nhân cận huyết thống không diễn ra, không tăng mới qua các năm.
Do đó, qua buổi giám sát tại cơ sở và giám sát tại Ban Dân tộc tỉnh, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Phú Thọ đề nghị, Ban Dân tộc tỉnh cần tiếp tục phát huy vai trò tham mưu, phối hợp; điều chỉnh báo cáo, bổ sung thông tin mà các ngành như: Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa Thể thao và Du lịch đã làm được. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là huyện Tân Sơn đi sâu, đi sát quan tâm hơn nữa đến vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Ngành Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường kỹ năng sống cho học sinh nhất là học sinh ở trường nội trú...
Nằm trong chương trình giám sát về kết quả triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS”, mới đây Ban Dân tộc HĐND tỉnh Quảng Trị cũng đã tiến hành giám sát việc thực hiện Quyết định 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn huyện Đakrông. Qua giám sát, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Quảng trị Ly Kiều Vân đề nghị, các địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật cho người dân, đặc biệt là Luật Hôn nhân Gia đình, phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể, nhà trường vận động theo hướng đổi mới sát với thực tế nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn. Thời gian tới, các địa phương cần tăng cường kiểm tra giám sát, đồng thời quan tâm, xây dựng các chương trình hoạt động cụ thể, phấn đấu đến năm 2025, cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cũng giống như nhiều địa phương khác, tại huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với HĐND tỉnh thực hiện giám sát chuyên đề “Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Điện Biên”. Ông Mùa A Vàng, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông cho biết, huyện Điện Biên Đông hiện có dân số trên 70.700 người, chủ yếu là đồng bào DTTS. Thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn vẫn tiếp tục xảy ra. Từ năm 2021 đến 14/9/2023, toàn huyện có 544 cặp vợ chồng tảo hôn, 1 vụ hôn nhân cận huyết thống. Theo đó, từ năm 2021 đến 30/8/2023, huyện cũng tổ chức 484 hoạt động tuyên truyền trong đồng bào DTTS với trên 16.500 lượt người, tại 13 xã, 1 thị trấn. Huyện đã cấp phát trên 19.200 tờ rơi, tài liệu cung cấp thông tin; tư vấn về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho trên 14.200 người; xây dựng 15 mô hình điểm và mô hình chuyên đề.
Qua buổi giám sát tại huyện Điện Biên Đông, ông Mùa Thanh Sơn, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Điện Biên đề nghị, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; quan tâm triển khai các mô hình về phòng chống tảo hôn; bổ sung số liệu về các hoạt động tuyên truyền, mô hình do ngành y tế huyện triển khai; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc các phòng, ban trong thực hiện nhiệm vụ; đưa mục tiêu về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào một trong những chỉ tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết HĐND huyện.
Qua kiểm tra, giám sát tại các địa phương đã cho thấy hiệu quả tích cực trong triển khai thực hiện tại cơ sở. Từ đó, góp phần từng bước nâng cao nhận thức, góp phần phòng chống nhận thức trong đồng bào DTTS và miền núi.