Đẩy mạnh liên kết hợp tác, kích cầu du lịch Đồng bằng sông Cửu Long
Đẩy mạnh liên kết hợp tác, kích cầu du lịch nội địa là những nhiệm vụ trọng tâm được Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long nhiệm kỳ 2022-2027 đưa ra tại Đại hội lần thứ IV, tổ chức ngày 14/4, tại Cần Thơ.
Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, nhiệm kỳ IV, Hiệp hội tăng cường liên kết, hợp tác, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, phục hồi và phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long sau dịch COVID-19. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Hiệp hội sẽ phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa để thu hút khách đến Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện bình thường mới, vừa phòng, chống dịch vừa phát triển du lịch. Đồng thời, Hiệp hội thực hiện có hiệu quả chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch của hai cụm phía Tây và phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở du lịch và tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch toàn vùng.
Song song đó, Hiệp hội tăng cường các hoạt động hợp tác, liên kết giữa 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh (đã được ký kết), với các tỉnh, thành phố và các Trung tâm du lịch lớn trong cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Lâm Đồng... trong đó, vai trò của doanh nghiệp du lịch là nòng cốt. Hiệp hội sẽ nâng cao vai trò đầu mối hợp tác, liên kết phát triển du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch và các điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long hiện có, phát triển thêm khi đủ điều kiện.
Ngoài ra, Hiệp hội cũng chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, trong đó quan tâm đẩy mạnh việc thu hút khách ngoài nước đến Đồng bằng sông Cửu Long. Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nguồn nhân lực du lịch, từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch, tạo sự chuyển biến đưa du lịch toàn vùng phát triển nhanh, bền vững.
Phát biểu tại Đại hội, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhấn mạnh, Cần Thơ là thành phố trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không khá thuận lợi. Tài nguyên du lịch đa dạng, tập trung nhiều loại hình thương mại, dịch vụ và vui chơi giải trí, đáp ứng tốt điều kiện để phát triển du lịch. Để phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới, Cần Thơ đang tích cực triển khai thực hiện các biện pháp khôi phục và phát triển du lịch theo phương châm "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
Theo ông Nguyễn Thực Hiện, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao. Phát triển du lịch đòi hỏi có sự vào cuộc của các ngành, các cấp, các địa phương, các Hiệp hội Du lịch và cộng đồng. Do đó, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò quan trọng, làm cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy du lịch phát triển nhanh và bền vững.
Ông Vưu Chấn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, hiện Hiệp hội có 124 thành viên. Trong nhiệm kỳ qua, Hiệp hội đã tổ chức nhiều hoạt động liên kết, hợp tác, phát triển du lịch và thường xuyên tổ chức các chương trình quảng bá, xúc tiến ở các vùng miền trong cả nước. Triển khai kế hoạch tăng cường sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau trong nội bộ hội viên, tiêu biểu là việc thành lập các nhóm hoạt động theo mô hình "Liên minh du lịch". Hơn thế nữa, Hiệp hội còn đôn đốc hợp tác, liên kết xây dựng sản phẩm và sự kiện du lịch của vùng tại các địa phương, như: Tỉnh Kiên Giang có 69 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn thu hút đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng; Long An có khu phức hợp giải trí Happyland; Trà Vinh với Khu du lịch nông nghiệp hữu cơ Cồn Chim; Cà Mau với công trình "Cột cờ Hà Nội"…