Đẩy mạnh liên kết phát triển sản xuất ở xã Đồng Tâm

Là xã thuần nông của huyện Bắc Quang, những năm gần đây, người dân Đồng Tâm đã từng bước thay đổi tư duy canh tác, đẩy mạnh liên kết để phát triển sản xuất theo hướng bền vững; góp phần nâng cao giá trị kinh tế từ cây trồng, vật nuôi.

Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, Triệu Giàu Lìn, cho biết: Trong xu thế cạnh tranh như hiện nay, các hộ nông dân cần chủ động tạo sự liên kết để thực hiện quy trình sản xuất chung theo từng cánh đồng lớn, từng trang trại với quy mô đủ lớn hoặc vùng chăn nuôi gồm nhiều hộ liên kết với nhau để tạo ra chuỗi liên kết trong sản xuất và nâng cao giá trị kinh tế. Xác định được điều đó, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã luôn hướng dẫn, khuyến khích người dân thay đổi tư duy, tập quán canh tác; chuyển từ quy mô nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất theo hướng tổ hợp tác, nhóm sở thích. Đến nay, đã xuất hiện một số mô hình liên kết, như: Trồng rừng thâm canh liên kết, chăn nuôi lợn theo hướng gia trại, nuôi lợn nái luân chuyển, nuôi trâu vỗ béo gắn với trồng cỏ, trồng cam...

Liên kết nuôi trâu vỗ béo đem lại thu nhập cao cho người dân thôn Pha.

Liên kết nuôi trâu vỗ béo đem lại thu nhập cao cho người dân thôn Pha.

Gặp gỡ anh Trương Văn Đồng, trú thôn Pha, xã Đồng Tâm, một người mới ngoài 30 tuổi nhưng luôn tràn ngập ý chí và khát khao làm giàu. Anh là người đầu tiên mạnh dạn đứng ra liên kết với 24 hộ trong thôn Pha, thôn Nhạ và thôn Lâm thành lập mô hình trồng rừng thâm canh liên kết. Năm 2015, sau khi tham khảo kinh nghiệm làm giàu từ các mô hình phát triển lâm nghiệp, anh nảy sinh ý định làm giàu từ trồng rừng sản xuất. Ban đầu, anh vận động gia đình trồng các loại cây keo và bồ đề trên những diện tích đất đồi tạp và đất rừng của gia đình với diện tích khoảng 5 ha. Sau đó, nhận thấy nhiều hộ ở trong thôn và các thôn lân cận có diện tích đất đồi tạp để hoang hóa khá lớn; anh đã vận động họ cùng tham gia trồng rừng. Mô hình được thực hiện theo phương thức những hộ có điều kiện về kinh tế thì đầu tư cây giống, phân bón; còn các hộ có đất thì góp đất, công lao động; đến thời gian khai thác gỗ thì lợi nhuận chia đôi. Đến nay, tổng diện tích rừng trồng được là 34 ha với 24 hộ dân tham gia. Theo tính toán của anh Đồng, khoảng 2 - 3 năm nữa, khi cây đến tuổi khai thác, có thể đem lại thu nhập từ 100 – 200 triệu đồng/hộ.

Ngoài trồng rừng thâm canh liên kết, mô hình nuôi trâu vỗ béo gắn với trồng cỏ cũng đem lại nguồn thu đáng kể cho các hộ tham gia. Hiện nay, nhiều hộ trên địa bàn xã đang thực hiện mô hình này, tập trung tại các thôn: Nậm Tuộc, Pha, Châng. Các hộ liên kết lại cùng nhau bỏ vốn mua con giống, thường là những con trâu gầy từ các hộ khác ở trong và ngoài xã về nuôi vỗ béo; mỗi đợt nuôi khoảng 5 con trở lên và cùng nhau trồng cỏ, chăm sóc. Sau khoảng 3 – 5 tháng khi trâu đủ trọng lượng thì xuất bán và có thể thu lãi khoảng 5 – 10 triệu đồng/con.

Bên cạnh đó, xã cũng tăng cường vận động, khuyến khích nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, như: Mô hình nuôi lợn từ 50 con trở lên tại thôn Lâm, thôn Nậm Tuộc, thôn Khuổi Thuối; nuôi gia cầm với quy mô trên 3.000 con của gia đình bà Lê Thị Suốt, thôn Nhạ…

Qua nhiều năm triển khai thực hiện, các mô hình liên kết sản xuất của người dân trên địa bàn xã Đồng Tâm đem lại hiệu quả tốt, góp phần thay đổi tư duy, tập quán trồng trọt, chăn nuôi của nông dân; từng bước đẩy mạnh sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/201907/day-manh-lien-ket-phat-trien-san-xuat-o-xa-dong-tam-746984/