Ngày 16/11, tại thành phố Lào Cai, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế T.Ư phối hợp với Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức hội thảo trực tuyến về định hướng liên kết phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; góp ý báo cáo 'Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển KT-XH và đảm bảo QP-AN vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020'.
Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đại biểu dự hội thảo tại điểm cầu tỉnh. Ở điểm cầu chính tại tỉnh Lào Cai, các Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế T.Ư, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW dự và chủ trì hội thảo. Đại diện tỉnh Hòa Bình tham dự có đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh. Tại điểm cầu tỉnh, dự hội thảo có các đồng chí: Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Sở KH&ĐT, Ban Dân tộc tỉnh. Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 26-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, đa số các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra đã hoàn thành, nhất là các chỉ tiêu về phát triển KT-XH,nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn trung bình toàn quốc.Kinh tế vùng tăng trưởng tương đối nhanh, đạt 6,28%, cao hơn 3,29 điểm phần trăm so với tốc độ tăng GDP cả nước và cao nhất trong 6 vùng kinh tế. Tại hội thảo, đại biểu các tỉnh tập trung thảo luận về: Liên kết phát triển vùng trong quy hoạch phát triển vùng; kinh nghiệm quốc tế về liên kết phát triển vùng và gợi mở cho vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; thuận lợi, khó khăn trong thực hiện liên kết vùng; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thúc đẩy các hoạt động liên kết vùng; phát triển hành lang kinh tế… nhằm nâng cao hiệu quả phát triển vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phát biểu thảo luận, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã nêu khái quát về tiềm năng, lợi thế, những khó khăn, thuận lợi của tỉnh Hòa Bình trong phát triển KT-XH, QP-AN, cơ sở hạ tầng, các hoạt động liên kết với các địa phương khác, các tổ chức trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, đề xuất những giải pháp về thể chế phù hợp với tỉnh Hòa Bình nói riêng và sự liên kết giữa các tỉnh trong vùng nói chung, nhằm thúc đẩy liên kết chặt chẽ, tạo đà phát triển cho vùng trong thời gian tới. Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh,Trưởng Ban Kinh tế T.Ư nhấn mạnh: Việc liên kết phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ phải phù hợp với chiến lược phát triển KT-XH của cả nước, đảm bảo thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Tập trung hình thành một số vùng động lực, thúc đẩy kinh tế vùng phát triển nhanh, hiệu quả; đảm bảo sự liên kết, tính đồng bộ và có hệ thống giữa các ngành, địa phương trong vùng. Cần ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ mới, nhất là công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh chuyển đổi số. Xây dựng cơ chế liên kết và điều phối phát triển vùng hiệu quả. Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra hội nghị góp ý báo cáo "Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020”. Gia Khánh