Đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
Chiều 12-7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp đã chủ trì hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương; đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Nữ doanh nhân, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh và một số hợp tác xã (HTX) tiêu biểu có hoạt động liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Triển khai 122 dự án liên kết
Trước đây, việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa phổ biến, quy mô liên kết còn hạn chế. Bởi vậy, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 97/2018/NQ-HĐND ngày 6-12-2018 về việc phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định số 376/QĐ-UBND ngày 7-8-2018 phê duyệt danh mục dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2018-2020. Đến ngày 28-2-2023, UBND tỉnh tiếp tục có Quyết định số 80/QĐ-UBND ban hành danh mục các ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp cho biết: Trong giai đoạn 2018-2022, toàn tỉnh có 122 dự án liên kết đã được thẩm định, phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện (1 dự án cấp tỉnh và 121 dự án cấp huyện). Tổng kinh phí thực hiện các dự án gần 289 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước 85,7 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp, HTX đóng góp gần 15 tỷ đồng, vốn người dân đóng góp 188,3 tỷ đồng. Trong số các dự án liên kết được phê duyệt, triển khai thực hiện có 88 HTX nông nghiệp và 34 doanh nghiệp tham gia, chủ trì chuỗi liên kết. Sự hình thành và phát triển các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trở thành hướng đi bền vững.
Hiện tổng kinh phí hỗ trợ và giải ngân cho các dự án liên kết giai đoạn 2018-2022 là hơn 59,1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, đạt 69% kế hoạch. Sự hình thành và phát triển các mô hình liên kết chuỗi, liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm bước đầu đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân, chất lượng sản phẩm hàng hóa được nâng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý. Các chính sách được thực hiện công khai, minh bạch từ việc xác định đối tượng tham gia, đối tượng hỗ trợ đến việc phân bổ vốn và kiểm tra, giám sát của các cơ quan, cộng đồng, người dân, đặc biệt là sự giám sát, phản biện của HĐND và MTTQ các cấp. Các doanh nghiệp, HTX tham gia có được nguồn cung ứng nguyên liệu ổn định, chất lượng; giải quyết đầu ra sản phẩm cho nông dân thông qua các hợp đồng liên kết, tạo việc làm cho người dân nông thôn. Một số dự án đã tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc rõ ràng phục vụ người tiêu dùng. Việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp giúp hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường.
Nhiều hạn chế cần tháo gỡ
Việc hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, theo nhận định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp, thực tế triển khai thực hiện chính sách này trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ: “Công tác dồn điền, đổi thửa, tích tụ đất nông nghiệp hình thành cánh đồng lớn để ứng dụng công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn do tâm lý người dân muốn được quyền sử dụng đất riêng. Vai trò của các bên tham gia hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị nông sản còn hạn chế, còn 73% HTX nông nghiệp chưa tham gia tiêu thụ nông sản, chưa làm tốt vai trò là cầu nối nông dân với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vẫn có tình trạng doanh nghiệp hoặc nông dân phá vỡ hợp đồng. Hệ thống kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu liên kết còn nhiều khó khăn, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất, chế biến, thu hoạch nông sản cũng là một nguyên nhân khiến công tác này chưa đạt kết quả như mong muốn”.
Tại hội nghị, 5 đơn vị có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen gồm: Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT), Chi nhánh Công ty TNHH Olam tại Gia Lai, HTX Nông-lâm nghiệp và dịch vụ Đak Trôi (huyện Mang Yang), HTX Sản xuất điều Đức Cơ (huyện Đức Cơ) và HTX Nông-công nghiệp và dịch vụ Hợp Tiến (huyện Chư Prông).
Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: “Sau 5 năm triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, huyện Chư Sê đã hình thành 2 dự án liên kết sản xuất gồm: Dự án trồng dâu nuôi tằm liên kết giữa Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang với 64 hộ dân và Dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nhãn Hương Chi theo chuỗi giá trị liên kết giữa HTX Nông-lâm nghiệp và dịch vụ Trường Xuân với 100 hộ dân. Việc liên kết bộc lộ một số hạn chế, đó là thiếu những HTX, doanh nghiệp đủ lớn để đứng ra chủ trì liên kết. Các hợp đồng liên kết cũng còn bất cập, chưa chặt chẽ, thiếu sự cam kết giữa các chủ thể tham gia nên dễ bị phá vỡ. Thực tế đã có trường hợp giá thị trường tăng hơn giá hợp đồng ký kết nên người sản xuất không bán sản phẩm cho doanh nghiệp mà bán thẳng ra thị trường. Vì vậy, tôi đề nghị các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ tập huấn, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho nông dân về những lợi ích của việc tham gia liên kết; có chính sách hỗ trợ các khâu sơ chế, chế biến, nhãn mác hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, thị trường tiêu thụ. Chúng tôi mong Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cố gắng làm cầu nối liên kết giữa doanh nghiệp, Nhà nước và người dân”.
Ở góc độ đơn vị thực hiện dự án liên kết, ông Nhữ Văn Kỳ-Giám đốc HTX Nông-công nghiệp và dịch vụ Hợp Tiến (huyện Chư Prông) thông tin: “Hợp tác xã triển khai Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo. Trong quá trình triển khai, chúng tôi nhận thấy có nhiều quy định, thủ tục hành chính thời gian kéo dài, khi vốn được giải ngân thì đã qua thời vụ, ảnh hưởng tới tính hiệu quả của dự án. Việc huy động vốn cũng khó khăn, chưa tiếp cận được vốn ưu đãi ngân hàng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm còn bấp bênh, vẫn còn tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Chúng tôi mong UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí để liên kết sản xuất. Đề nghị các ngành chức năng hỗ trợ kêu gọi thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, liên doanh, liên kết cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp; tạo cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến nông sản tại địa phương để giảm thiểu tối đa các khâu trung gian. Đặc biệt, tỉnh cần có chính sách phù hợp để các HTX tiếp cận được các khoản vay ưu đãi từ ngân hàng bằng hình thức tín chấp”.
Một số hạn chế khác cũng được các đại biểu thẳng thắn chỉ ra tại hội nghị như: chính sách hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết có tỷ lệ đối ứng cao (70%) nên nhiều doanh nghiệp, HTX chưa mặn mà; việc đầu tư hạ tầng sử dụng nguồn vốn sự nghiệp hay nguồn vốn đầu tư phát triển chưa được quy định cụ thể ở trung ương, gây khó khăn trong việc thẩm định hỗ trợ các nội dung trong cùng một dự án mà phải sử dụng từ 2 nguồn vốn khác nhau (vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp). Các nội dung thực hiện hỗ trợ theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP như hỗ trợ hạ tầng, giống, vật tư, bao bì được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu nên thủ tục thanh quyết toán phức tạp...
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp nhấn mạnh: “Tỉnh ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của các đại biểu và sẽ giao Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu, cụ thể hóa trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh thời gian tới. Đề nghị các sở, ngành và đơn vị có liên quan tiếp tục tuyên truyền, lồng ghép nội dung này vào các chương trình, hội nghị, hội thảo, các buổi sinh hoạt của các tổ chức đại diện cho hộ nông dân như HTX, tổ hợp tác, qua đó làm rõ sự cần thiết về chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện nay, lợi ích, hiệu quả kinh tế từ việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cần đầu tư nâng cao chất lượng các HTX nông nghiệp hiện có, xây dựng và hỗ trợ những HTX này trở thành trung tâm liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để thực hiện chuỗi giá trị sản xuất từ đầu vào đến đầu ra và tiêu thụ sản phẩm, gắn với ứng dụng công nghệ cao; chọn lọc sản phẩm chủ lực, chất lượng để hỗ trợ phát triển liên kết; tổ chức nhân rộng các mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả cao giúp nông dân định hướng trong sản xuất, góp phần tăng thu nhập, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại.
Đề nghị các HTX, doanh nghiệp tiếp tục phát huy tối đa vai trò nòng cốt trong thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, áp dụng quy trình, công nghệ sản xuất nông sản an toàn theo hướng hữu cơ, góp phần chuyển dịch và cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo định hướng chung của tỉnh”.