Đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình, đề án nhằm chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi. Cách làm này đã và đang mang lại kết quả tích cực.
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình, đề án nhằm chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi. Cách làm này đã và đang mang lại kết quả tích cực.
Nhiều hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa các doanh nghiệp với các hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp, giữa HTX với HTX được ký kết như: hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản giữa VinEco với HTX nông sản sạch Bảo An (Lý Nhân), cơ sở trồng ổi hữu cơ Trác Văn (thị xã Duy Tiên), chương trình liên kết tiêu thụ hoa, cây cảnh giữa Công ty cổ phần đầu tư nông nghiệp công nghệ cao với nông dân xã Phù Vân (TP Phủ Lý)...
Đặc biệt, đã chú trọng hơn đến liên kết sản xuất theo chuỗi ngay từ khi xây dựng kế hoạch sản xuất. Các cây trồng có giá trị kinh tế cao, có thị trường được mở rộng như bí đỏ, bí xanh, dưa chuột xuất khẩu, các vùng sản xuất rau sạch, rau an toàn gắn với tiêu thụ nông sản ngày càng tăng đã góp phần cải thiện thu nhập cho người nông dân, nâng cao giá trị trên diện tích canh tác và từng bước khắc phục được tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa trong sản xuất nông nghiệp.
Tại vùng sản xuất rau màu xã Bình Nghĩa (Bình Lục), từ khi liên kết sản xuất với HTX nông sản sạch Bảo An (Lý Nhân) cùng một số công ty cung cấp suất ăn tập thể, nông sản sản xuất ra mặc dù cũng có lúc dôi dư nhưng không rơi vào tình trạng dư thừa, lo không bán được như trước đây. Nông sản được ký hợp đồng tiêu thụ nên người dân yên tâm sản xuất, chỉ lo bảo đảm chất lượng sản phẩm theo cam kết. Năm 2020, HTX xuất bán được hơn 10 tấn rau quả các loại cho HTX nông sản sạch Bảo An.
Ông Đặng Văn Hùng, Giám đốc HTX nông sản Cát Lại (xã Bình Nghĩa, Bình Lục) cho biết: Chuẩn bị vào vụ rau đông - vụ sản xuất chính, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với 3 đơn vị cung cấp cho các siêu thị, bếp ăn công nhân, nhà trẻ. Liên kết sản xuất nông nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho bà con về giá cả, thị trường tiêu thụ, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.
Toàn tỉnh đã xây dựng được hàng trăm mô hình sản xuất lúa, rau củ quả, hoa, cây dược liệu, cây ăn quả tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông sản sạch. Đối với cây lúa, từng bước chuyển dịch các giống lúa lai có năng suất cao, sản lượng lớn sang các giống lúa chất lượng nhằm nâng cao giá trị thu nhập. Năm 2020, diện tích lúa chất lượng hàng hóa đạt 26.157,3 ha, bằng 43,2% diện tích, tăng 26% so với năm 2015. Sản lượng lúa chất lượng cao tăng từ 115.103 tấn năm 2015 lên 149.095 tấn năm 2020. Lúa thương phẩm được doanh nghiệp liên kết bao tiêu hiệu quả, giá trị kinh tế cao gấp 1,2 - 1,4 lần so với lúa thường. Các cây trồng hàng hóa được chú trọng gieo trồng thay thế các giống cũ đi đôi với áp dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên ha đất nông nghiệp.
Các đơn vị tham gia liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rất đa dạng như các công ty, trường học, bếp ăn, siêu thị, nhà hàng, cửa hàng liên kết với các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nông sản. Một số doanh nghiệp, HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản như: Công ty TNHH Khải Anh Hà Nam, HTX rau hữu cơ Trác Văn (thị xã Duy Tiên); HTX nông sản sạch Bảo An, HTX Nông nghiệp Đức Huy (Lý Nhân); HTX nông sản an toàn Liên Hiệp (Kim Bảng)…
Nhận thấy nhu cầu thực phẩm trên địa bàn tỉnh rất lớn, từ năm 2018, Công ty TNHH Khải Anh Hà Nam phát triển sản xuất kinh doanh sang lĩnh vực cung cấp thực phẩm cho các khu công nghiệp, trường học, bếp ăn tập thể, Không những tạo dựng được uy tín tại thị trường nội tỉnh, công việc kinh doanh này được phát triển khá thuận lợi tại thị trường TP Hà Nội và tỉnh Hưng Yên. Song từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, công ty thu hẹp thị trường, phục vụ trong tỉnh là chủ yếu. Có được nguồn thực phẩm cung cấp ổn định, bảo đảm chất lượng là do công ty đã liên kết tiêu thụ nông sản với các cơ sở sản xuất uy tín trên địa bàn thị xã Duy Tiên và ở huyện Lý Nhân. Trước khi dịch bệnh bùng phát, mỗi ngày công ty cung cấp được khoảng từ 2-2,5 tấn rau, củ, quả và thực phẩm các loại; trong thời điểm dịch bệnh sản lượng giảm còn 1,3-1,6 tấn/ngày. Ở thời điểm hiện nay từ 3-3,5 tấn/ngày.
Ông Phạm Đức Triển, Giám đốc Công ty TNHH Khải Anh Hà Nam cho biết: Sản lượng nông sản tiêu thụ một ngày tăng là do công ty ký thêm được hợp đồng cung cấp cho các trường học trên địa bàn thị xã Duy Tiên và bếp ăn của các doanh nghiệp. Để có được sản phẩm chất lượng tốt, công ty liên kết cùng bà con, HTX xây dựng chuỗi sản xuất khép kín. Công ty cung cấp giống, phân bón. Ngoài phục vụ nhu cầu của đơn vị, doanh nghiệp còn kêu gọi thêm các đối tác cùng ngành nghề kinh doanh cùng thu mua để nông sản không bị ùn ứ.
Không thể phủ nhận liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã và đang tạo ra nhiều thuận lợi. Sản phẩm sản xuất ra được bao tiêu với giá bán theo hợp đồng kinh tế, giá trị thu được của các mô hình liên kết cao hơn từ 15 - 20% so với sản xuất truyền thống và có tính ổn định cao, hạn chế được tình trạng được mùa mất giá. Nhằm khai thác tiềm năng đất đai, điều kiện tự nhiên của từng vùng trong phát triển nông nghiệp, bên cạnh việc triển khai sản xuất theo đúng quy hoạch, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, các địa phương trong tỉnh đang hướng mạnh đến xây dựng các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản theo công nghệ hiện đại, bền vững... để không ngừng nâng cao giá trị gia tăng, tạo bước phát triển nhanh, bền vững trong sản xuất nông nghiệp.