Đẩy mạnh 'mũi giáp công' phục hồi nền kinh tế sau đại dịch
Tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp cả nước diễn ra cách đây ít hôm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong 5 'mũi giáp công' để phục hồi nền kinh tế.
Cùng với các "mũi giáp công" khác (bao gồm: thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư công, khuyến khích tiêu dùng nội địa), thì thu hút vốn FDI được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm trong bối cảnh các đối tác lớn đang có nhiều động thái thay đổi chiến lược đầu tư kinh doanh, nhất là trong đại dịch Covid-19, và Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn bởi môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện.
Tôi nghĩ rằng, vốn trực tiếp từ nước ngoài cũng giống như những “chiếc tàu” luôn có thể chuyển từ bến cảng này tới bến cảng khác nếu điều kiện thuận lợi hơn. Và một Việt Nam an toàn, khống chế được dịch bệnh, cởi mở và có môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện… là những cơ sở và niềm tin để nước ta đón nhận luồng vốn mới sau đại dịch Covid-19 với rất nhiều cơ hội thuận lợi trong thời gian tới. Đây sẽ là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, đón nhận các dòng đầu tư từ các quốc gia phát triển có nguồn vốn dồi dào và trình độ công nghệ cao. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam chuẩn bị đón dòng đầu tư có chất lượng hơn, thông qua việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hành động theo Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Rõ ràng, cơ hội, lợi thế để Việt Nam đẩy mạnh thu hút FDI giai đoạn hậu dịch Covid-19 là rất lớn. Bởi vậy, để có thể hiện thực hóa những cơ hội đó, tôi cho rằng, Việt Nam cần có sự chuẩn bị về mặt bằng, nguồn nhân lực dồi dào, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Đặc biệt, các thủ tục hành chính cần phải tiếp tục được thực hiện một cách thuận tiện, nhanh chóng; cắt giảm các điều kiện kinh doanh không hợp lý, đồng thời cần tháo gỡ những điểm "nghẽn" về cơ sở hạ tầng giao thông... Có như vậy, chắc chắn “thương hiệu Việt Nam” như một điểm đến an toàn cho du lịch và đầu tư sẽ ngày càng được nâng tầm, qua đó giúp Việt Nam thu hút mạnh mẽ hơn nữa dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, phục hồi và phát triển mạnh mẽ nền kinh tế.
BÌNH AN (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc)