Đẩy mạnh nền nếp, kỷ cương trong trường học
Năm học 2023-2024 đang bước vào giai đoạn 'nước rút', các trường học trên địa bàn toàn tỉnh đang đẩy mạnh siết chặt nền nếp, kỷ cương tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục, 'cán đích' các mục tiêu, nhiệm vụ năm học đã đề ra.
Hoạt động ngoài giờ lên lớp ở Trường Tiểu học Nam Giang (Thọ Xuân).
Trường Tiểu học Nam Giang (Thọ Xuân) là một điển hình trong việc đẩy mạnh thực hiện “Nền nếp, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” của ngành giáo dục huyện Thọ Xuân. Cô Trịnh Thị Hoa, hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Nâng cao chất lượng giáo dục phải đi liền với những giải pháp cụ thể. Trong đó, xây dựng kỷ cương trường lớp chính là tiền đề để triển khai các giải pháp này. Tại Trường Tiểu học Nam Giang, nhiều năm qua, công tác giáo dục đạo đức, phẩm chất luôn được nhà trường quan tâm chú trọng. Nhà trường đã thành lập các đội sao đỏ theo dõi việc thực hiện các nội quy của học sinh hàng ngày, vào mỗi cuối tuần, cuối tháng đều họp đánh giá, xếp loại, rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, trách nhiệm nêu gương của ban giám hiệu, giáo viên cũng được thể hiện rõ nét trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn và các hoạt động khác trong nhà trường. Với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, cùng khát vọng vươn lên, Trường Tiểu học Nam Giang đang nỗ lực tạo dựng môi trường học tập lành mạnh, nền nếp, kỷ cương, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện để mỗi học sinh đều có thể phát huy được tính sáng tạo, năng lực tư duy và phát triển tài năng của bản thân".
Tại Trường Tiểu học Vĩnh Long (Vĩnh Lộc), do điều kiện địa lý, nhà trường hiện có 2 điểm trường với 907 học sinh. Khu chính đóng tại thôn Đông Môn và khu lẻ đóng lại thôn Tân Lập. "Để giữ vững kỷ cương, nền nếp, nhà trường đã phân công hai phó hiệu trưởng phụ trách quản lý 2 điểm trường và hiệu trưởng quản lý chung. Chúng tôi còn chú trọng lồng ghép, tích hợp giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp... Cùng với đó, chấn chỉnh kỷ cương, nền nếp trong quản lý các hoạt động giáo dục, quán triệt thực hiện nghiêm các quy định về dân chủ cơ sở và nền nếp chuyên môn" - cô Phạm Thị Hải, hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Là đơn vị có số lượng học sinh lớn thuộc top đầu của thị xã Nghi Sơn, Trường THPT Tĩnh Gia 1 hiện có gần 2.000 học sinh với 106 cán bộ quản lý và giáo viên. Để đảm bảo ổn định nền nếp và chất lượng giáo dục, nhà trường đang triển khai nhiều giải pháp gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”. Tại đây, hiệu trưởng nhà trường chủ trì xây dựng quy chế xếp loại của đơn vị gắn với thực tiễn. Trong kế hoạch có phân công nhiệm vụ rõ ràng, vạch ra lộ trình, mục tiêu thực hiện.
Cô Nguyễn Thị Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Tĩnh Gia 1 chia sẻ: "Từ việc tăng cường công tác kiểm tra, đặc biệt là việc thực hiện quy chế chuyên môn, chất lượng giờ lên lớp nên năm học 2022-2023, tỷ lệ học sinh giỏi đạt 56,2%, tăng 17,53% so với năm học 2021-2022; tỷ lệ học sinh xếp hạnh kiểm loại tốt đạt 84,76%, tăng 1,54% so với năm học 2021-2022. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh các môn văn hóa, toàn trường có 33 giải, trong đó có 6 giải nhì, 17 giải ba, 10 giải khuyến khích...
Kỷ cương nền nếp và chất lượng giáo dục có mối liên hệ tương hỗ lẫn nhau, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục. Từ đó, giáo dục nên những thế hệ học sinh có đầy đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho sự phát triển của quê hương, đất nước.