Đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo và khảo nghiệm giống cây trồng
Thanh Hóa là địa phương có dư địa lớn để phát triển nông nghiệp, có nhiều thế mạnh trong lĩnh vực trồng trọt. Các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã đẩy mạnh quá trình nghiên cứu, khảo nghiệm giống cây trồng, ngày càng nhiều giống mới có năng suất, chất lượng cao được chuyển giao vào thực tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân và hiệu quả của ngành nông nghiệp.
Mô hình khảo nghiệm giống cây khoai môn chỉ tím của Trung tâm Nghiên cứu, khảo nghiệm và Dịch vụ cây trồng thuộc Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.
Theo đánh giá của nhiều cơ quan chuyên môn, mặc dù đạt được nhiều kết quả trong sản xuất song hiện nay bộ giống cây trồng đang được sử dụng rộng rãi ở các địa phương chưa phát triển tương xứng với sự phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Nhiều loại giống cây trồng đang được người dân sử dụng nhưng bị lai tạp, thoái hóa, sức chống chịu sâu bệnh kém nên năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao. Trước thực trạng trên, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã nỗ lực nghiên cứu, khảo nghiệm nhằm chọn ra những giống có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng của tỉnh. Trong năm 2023, Viện đã phối hợp với Trung tâm Khảo nghiệm quốc gia thực hiện khảo nghiệm diện hẹp đánh giá được 45/98 giống lúa triển vọng, khảo nghiệm diện rộng được 30/64 giống lúa triển vọng. Ngoài ra, Viện còn thực hiện khảo nghiệm 100 lượt giống ngô trong mạng lưới khảo nghiệm quốc gia khu vực phía Bắc. Trong đó, có 66 lượt giống khảo nghiệm diện hẹp, 34 lượt giống khảo nghiệm diện rộng, trở thành một trong những điểm khảo nghiệm uy tín trên hệ thống khảo nghiệm quốc gia.
Cùng với đó, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã chọn tạo các giống lúa lai, lúa thuần, đẩy mạnh chọn tạo một số giống lúa mới, như: Sao Vàng, giống lúa Việt Thanh 30; nghiên cứu, chọn lọc và duy trì một số giống rau, như: bí đỏ, dưa chuột, lặc này, cà chua, khoai môn chỉ tím; chọn tạo nhân giống hoa, sưu tập, bảo tồn và nhân giống bưởi Luận Văn...
Là đơn vị trực thuộc Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đóng tại xã Nam Giang (Thọ Xuân), trong năm 2023, Trung tâm Nghiên cứu, khảo nghiệm và Dịch vụ cây trồng đã chọn tạo và duy trì hàng chục giống cây trồng chất lượng, hiệu quả. Trong đó, vụ thu đông năm 2023, trung tâm đã và đang thực hiện chọn lọc thuần hóa nguồn vật liệu khởi đầu giống cà chua, diện tích 0,35ha; chọn lọc, thuần hóa nguồn vật liệu khởi đầu giống bí đỏ, diện tích 0,3ha; nhân sơ bộ dòng cà chua thuần ưu tú diện tích 0,1ha; nhân dòng dưa chuột nếp BĐ 0,1ha; nhân dòng lặc này ĐH 0,1ha. Kết quả khảo nghiệm, chọn lọc ban đầu cho thấy, các giống cây trồng được chọn luôn có những đặc tính nổi trội, như: Nguồn giống cây sạch bệnh, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; một số giống có năng suất cũng như các đặc tính ưu việt hơn so với giống đối chứng, có khả năng thích ứng, phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh. Dự kiến sẽ sớm được ứng dụng sản xuất trên diện rộng trong năm 2024, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng của các địa phương.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Hải, Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, nhấn mạnh: "Mỗi năm, các địa phương trên địa bàn tỉnh có nhu cầu khoảng 11.000 tấn giống lúa, 1.000 tấn giống ngô, 2.000 tấn giống lạc, 300 tấn giống đậu tương... chất lượng cao. Do đó, công tác nghiên cứu, chọn tạo và khảo nghiệm giống cây trồng có vai trò rất quan trọng. Thông qua những nhiệm vụ này sẽ lựa chọn được những giống cây trồng ưu việt, bổ sung vào bộ giống cây trồng của tỉnh, góp phần tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản, nâng cao giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp".
Năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh đặt mục tiêu lĩnh vực trồng trọt tăng trưởng đạt 2,4% trở lên. Do đó, ngay từ đầu năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao nhiệm vụ cho các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện. Trong đó, nhiệm vụ nghiên cứu, chọn tạo và khảo nghiệm giống cây trồng được chú trọng. Ngành nông nghiệp đã yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung nghiên cứu chọn tạo giống lúa mới có năng suất khá, chất lượng gạo tốt; chọn tạo, phục tráng, bình tuyển giống cây ăn quả, theo hướng năng suất, chất lượng cao có khả năng kháng sâu bệnh và các điều kiện bất lợi của thời tiết, thích hợp với điều kiện sinh thái từng vùng; tuyển chọn bộ giống rau, hoa phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng... Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất lúa, công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống cây ăn quả tạo giống cây sạch bệnh, công nghệ tiên tiến phục tráng một số loại cây ăn quả đặc sản của tỉnh, như: bưởi Luận Văn, cam, quýt đường...