Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học từ yêu cầu thực tiễn
Từ nhu cầu trong học tập, công tác, thực hiện nhiệm vụ, những năm qua, cán bộ, giảng viên, học viên Trường Sĩ quan Thông tin (SQTT), Binh chủng Thông tin liên lạc đã nghiên cứu, phát triển nhiều sáng kiến, đề tài khoa học ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) của nhà trường.
Tại hội thi sáng tạo khoa học và công nghệ năm 2023 của Trường SQTT, Thượng sĩ Trần Viết Tuyến, học viên Lớp ĐH27K, Tiểu đoàn 30 (Trường SQTT), chủ nhiệm của sáng kiến “Thiết bị thực hành tổng đài điện thoại IP”, chia sẻ: “Các thiết bị tổng đài IP hiện nay của nhà trường chủ yếu trang bị cố định trên giảng đường, mỗi lần cần nghiên cứu, học tập, học viên phải xin phép chỉ huy để lên giảng đường. Để thuận tiện trong học tập, tôi và một số đồng đội đã nghiên cứu sản phẩm “Thiết bị thực hành tổng đài điện thoại IP”. Sáng kiến nhỏ gọn, cơ động, giúp học viên có thể học tập ngay tại đơn vị”.
Còn với sáng kiến “Giải pháp bảo mật trong mạng WAN” (mạng kết nối nhiều mạng nội bộ) do Trung tá, TS Bùi Quốc Doanh, Chủ nhiệm Bộ môn Truyền hình-Truyền số liệu, Khoa Viễn thông làm chủ nhiệm không chỉ giúp học viên có cái nhìn trực quan khi học những nội dung liên quan đến kỹ thuật truyền dữ liệu và bảo mật thông tin mà còn có thể ứng dụng hiệu quả tại một số đơn vị trong toàn quân.
Đây chỉ là hai trong số 39 sản phẩm, đề tài nghiên cứu khoa học tại hội thi, trong đó có 17 sản phẩm thuộc lĩnh vực mô hình, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, 22 sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin của cán bộ, giảng viên, học viên Trường SQTT. Đặc biệt, có nhiều sản phẩm mang ý tưởng khoa học mới, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, trí tuệ nhân tạo trong sản phẩm, như: Công cụ phát hiện và cảnh báo website độc hại bằng trí tuệ nhân tạo (AI); website video ngắn ứng dụng công nghệ AI phục vụ giảng dạy đáp ứng chuẩn đầu ra... Đa số sản phẩm đều đã hoàn chỉnh và có khả năng ứng dụng trong thực tiễn, phục vụ tốt nhiệm vụ GD-ĐT.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá R.Kulkarni, chuyên gia Ấn Độ tại Trường SQTT, cho biết: “Tôi thấy rõ triển vọng của các dự án trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ được các sĩ quan và học viên của nhà trường thực hiện. Tôi tin rằng công nghệ và sáng tạo tại các nơi đào tạo như Trường SQTT sẽ giúp xây dựng nền công nghệ, nguồn nhân lực tài năng cho đất nước trong tương lai”.
Theo Đại tá Bùi Tiến Bảo, Chủ nhiệm khoa Cơ sở, các sản phẩm tham gia hội thi đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, bám sát nhiệm vụ huấn luyện của nhà trường cũng như nhiệm vụ của Binh chủng; thể hiện tâm huyết của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên, đáp ứng các nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu cũng như đời sống dân sinh, làm nền tảng thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học ngày càng phát triển. Hội thi sáng tạo khoa học và công nghệ hằng năm đã thôi thúc đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên nghiên cứu và cho ra đời những sản phẩm thiết thực. Đơn cử như năm 2022, nhà trường có 11 sản phẩm đoạt Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo cấp binh chủng và 8 sản phẩm đoạt giải thưởng cấp toàn quân.
Để đạt hiệu quả cao trong nghiên cứu khoa học và các sản phẩm công nghệ sáng tạo, thời gian qua, Trường SQTT đã làm tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn, kiện toàn, sắp xếp và sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học, nhất là cán bộ đầu ngành, có học vị, chức danh khoa học, cán bộ khoa học trẻ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài. Bên cạnh đó là quá trình kết hợp giữa tự đào tạo với gửi cán bộ, giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng tại các trường trong và ngoài Quân đội, giữa bồi dưỡng tại trường với gửi đi thực tế ở đơn vị. Đây là đội ngũ nòng cốt để dẫn dắt, định hướng phát triển, sáng tạo các sản phẩm khoa học-công nghệ. Cùng với đó, nhà trường luôn quan tâm đầu tư các phòng học chuyên dùng, các phòng thí nghiệm thực hành với những trang thiết bị hiện đại, tiếp cận công nghệ mới, vừa phục vụ GD-ĐT, vừa phục vụ đội ngũ cán bộ, giảng viên nghiên cứu; có chế độ, chính sách đãi ngộ đối với những cá nhân có năng lực, có thành tích trong nghiên cứu khoa học.
Đại tá Nguyễn Như Thắng, Phó hiệu trưởng đào tạo Trường SQTT cho rằng: “Các sản phẩm nghiên cứu nếu không được đưa vào sử dụng cũng không có giá trị. Do vậy, quá trình thực hiện, nhà trường đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ huấn luyện, GD-ĐT và các hoạt động công tác, đời sống của bộ đội, nhân dân. Ưu tiên đầu tư kinh phí, vật chất bảo đảm cho các đề tài, chuyên đề, sáng kiến có giá trị thực tiễn cao”.