Đẩy mạnh nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ và khoa học liên ngành
Nhiều chuyên gia đã thảo luận các giải pháp thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số trong giảng dạy ngôn ngữ và khoa học liên ngành.
Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Nghiên cứu và giảng dạy Ngôn ngữ và các Khoa học liên ngành trong kỷ nguyên số" được Trường Đại học Luật TPHCM đã tổ chức hôm 16/11.
PGS.TS Vũ Văn Nhiêm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật TPHCM cho biết, hội thảo được tổ chức với mong muốn cung cấp một diễn đàn để các nhà khoa học, giảng viên và sinh viên có thể trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức và thảo luận về những vấn đề đang được xã hội quan tâm trong thời đại số hóa.
Hội thảo tập trung vào 3 mục tiêu chính: Hướng đến việc đánh giá thực trạng và xu hướng của nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ và các ngành khoa học liên ngành; Phân tích những thách thức và cơ hội mà công nghệ số mang lại, bao gồm cả sự thay đổi trong phương pháp giảng dạy và khả năng tiếp cận tri thức trong môi trường giáo dục đại học; Đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy và nghiên cứu trong kỷ nguyên số.
Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu tham dự và cùng trao đổi, thảo luận về các nội dung như: Các vấn đề về ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ số trong giảng dạy ngôn ngữ; Đổi mới phương pháp giảng dạy và phát triển tài liệu giảng dạy trong thời đại số; Tích hợp công nghệ trong nghiên cứu liên ngành giữa ngôn ngữ học với luật học; Xây dựng và chia sẻ tài nguyên số hóa trong giảng dạy; Phát triển năng lực số cho đội ngũ giảng viên.
Sau phiên toàn thể với 3 tham luận được trình bày, hội thảo được chia thành 2 tiểu ban chuyên sâu về chủ đề "Nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ" với 4 tham luận về đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ AI trong dạy và học ngoại ngữ, các vấn đề nghiên cứu ngôn ngữ học trong thời đại số.
Chủ đề thứ hai về "Khoa học liên ngành" có 4 tham luận về mối quan hệ giữa ngôn ngữ học với luật học, kinh tế, xã hội và các giải pháp tích hợp công nghệ vào giáo dục đại học.
Bàn về xu hướng chính trong giảng dạy ngôn ngữ hiện đại, ông Dieter Bruhn, Giảng viên cao cấp thuộc chương trình Giảng viên Anh ngữ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ ra ba xu hướng chính trong giảng dạy ngôn ngữ hiện đại.
Ba xu hướng gồm: Tích hợp trí tuệ nhân tạo vào kiểm tra đánh giá các môn ngoại ngữ; Phát triển môi trường học tập tương tác đa phương tiện; Cá nhân hóa lộ trình học tập dựa trên công nghệ.
PGS.TS. Trần Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM cho rằng, hội thảo giúp góp phần đề xuất những phương pháp giảng dạy và nghiên cứu hiệu quả, phù hợp với xu hướng phát triển trong kỷ nguyên số.
Đặc biệt, các chuyên gia đã đưa ra được các khuyến nghị quan trọng để xây dựng chiến lược tích hợp công nghệ số vào chương trình đào tạo ngoại ngữ, tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu liên ngành, phát triển năng lực số cho đội ngũ giảng viên, đề xuất các mô hình giảng dạy kết hợp phù hợp với xu thế số hóa trong giáo dục đại học.