Đẩy mạnh phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân
Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20, ngày 20-3-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa về xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tỉnh đã chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động; mối quan hệ giữa dân với Đảng và chính quyền ngày càng khăng khít góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh.
Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả
Chiều Chủ nhật, sau khi tập trung tổng vệ sinh đường Võ Văn Kiệt, các cán bộ Ban công tác Mặt trận Tổ dân phố 2 Phước Trung (phường Phước Long, TP. Nha Trang) lại về hẻm 2 Nguyễn Tất Thành xem trích xuất camera để nắm tình hình, kịp thời báo cáo phường. "Đây là khu vực có nhiều người thuê trọ, dân cư thường xuyên biến động nên an ninh khá phức tạp. Nhưng từ khi mặt trận vận động lắp đặt 17 camera, 4 cụm loa, 21 đèn năng lượng mặt trời với tổng trị giá gần 90 triệu đồng, tệ nạn xã hội đã giảm hẳn", ông Chu Văn Du - Tổ trưởng Tổ dân phố 2 Phước Trung nói. Theo bà Thái Thị Hương - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam phường Phước Long, thực hiện Chỉ thị số 20, các Ban công tác Mặt trận phường còn triển khai nhiều mô hình, như: Chung một tấm lòng (vận động được 32,5 triệu đồng giúp người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo); toàn dân đoàn kết tham gia phòng cháy, chữa cháy (vận động người dân trang bị 999 bình chữa cháy, trị giá gần 200 triệu đồng); tiếng kẻng an ninh (trang bị 11 kẻng hiệu lệnh, 265 bình chữa cháy trị giá hơn 58 triệu đồng)…
5 năm qua, Mặt trận, chính quyền phường Vĩnh Phước (Nha Trang) đã phối hợp tiếp nhận, giải quyết gần 170 ý kiến của người dân. Quỹ "Vì người nghèo" phường vận động được hơn 374 triệu đồng hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn khám, chữa bệnh; hỗ trợ chi phí học tập, phương tiện sinh kế; xây, sửa nhà Đại đoàn kết; tổ chức gian hàng 0 đồng. Mặt trận phường còn vận động hơn 1,6 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn vào các dịp lễ, Tết… Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương. 5 năm trước, phường có 90 hộ nghèo, 263 hộ cận nghèo; đến năm 2024 còn 3 hộ nghèo, 210 hộ cận nghèo.
Quán triệt quan điểm "lấy người dùng là trung tâm", Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh luôn quan tâm rà soát, đề xuất đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính; ưu tiên giải quyết cho người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người khuyết tật; mở rộng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đối với 3 lĩnh vực vào sáng thứ Bảy hàng tuần… 6 tháng đầu năm 2024, trung tâm trả kết quả đúng, trước hạn 99,9%.
Việc thực hiện Chỉ thị số 20 ngày càng lan tỏa với nhiều mô hình, như: Nâng cao chất lượng tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Ban Tiếp công dân TP. Cam Ranh; ứng dụng công nghệ thông tin trong tổng hợp số liệu kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu hàng năm và giai đoạn của huyện Cam Lâm; ngày không viết, không hẹn ở huyện Vạn Ninh; tổ dân phố an toàn về phòng cháy, chữa cháy và Nghiệp đoàn xích lô ở TP. Nha Trang; con nuôi đồn biên phòng (Bộ đội Biên phòng tỉnh); nuôi heo đất vì nghĩa tình biên giới hải đảo (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh); em nuôi của đoàn;… góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Tiếp tục phát huy dân chủ
5 năm qua, các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên đi cơ sở nắm tình hình, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn của nhân dân. Đảng viên được phân công phụ trách hộ, nhóm hộ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Các địa phương, đơn vị lựa chọn những vấn đề nổi cộm, có tính đột phá, tác động lớn đến đời sống nhân dân để chỉ đạo giải quyết. Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện gần 520 cuộc giám sát độc lập. Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức hơn 50 cuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 20 gắn với thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng...
Với sự nỗ lực của toàn tỉnh, năm 2023, tổng sản phẩm GRDP của tỉnh tăng 10,35% so với năm 2022, xếp thứ 4 cả nước; 6 tháng đầu năm 2024, tăng 12,73% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 2 cả nước, liên tục dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. So với năm 2019, năm 2023, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh xếp thứ 14, tăng 20 bậc; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công xếp thứ 8, tăng 41 bậc.
Vừa qua, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 của Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh, ông Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp tiếp tục chú trọng thực hiện dân chủ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức; chỉ đạo tập trung kiểm tra, rà soát giải quyết các vụ việc khiếu nại tồn đọng, kéo dài; chú trọng lấy ý kiến nhân dân trước khi triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tổ chức giám sát, phản biện xã hội hiệu quả; tích cực góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng...