Đẩy mạnh phát triển các mô hình trồng cây dược liệu ở Mèo Vạc
Trong thời gian qua, huyện Mèo Vạc đã tập trung phát triển được 3 mô hình trồng cây dược liệu (DL) gồm: Mô hình trồng cây Xọm đen, cây Đương quy và cây Sả Java. Qua đó nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị kinh tế, góp phần giải quyết công ăn, việc làm cho người dân.
Để các mô hình mang lại hiệu quả, huyện Mèo Vạc đã tổ chức cho cán bộ chuyên môn, người trực tiếp thực hiện mô hình đi học tập kinh nghiệm thực tế tại nhiều địa phương để tìm hiểu về lợi ích từng loại cây DL; khảo sát thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng của huyện phù hợp với sự sinh trưởng của các loại cây DL… Theo đó, cây Sả Java được trồng để chiết xuất lấy tinh dầu. Tinh dầu Sả Java còn là nguồn nguyên liệu cần thiết cho nhiều ngành công nghiệp sản xuất các hợp chất thơm như: Nước hoa, kem xoa, dầu gội đầu, xà phòng thơm, bột giặt… Ngoài ra còn có nhiều công dụng như: Sát trùng trong bệnh viện, thuốc trừ sâu bệnh cho cây trồng, giải cảm, điều trị chứng rối loạn tiêu hóa, diệt ký sinh trùng, chữa táo bón, đau dạ dày… Cây Sả Java sau khi trồng khoảng 4 tháng bắt đầu cho thu hoạch và sau khoảng 40 ngày lại tiếp tục thu hoạch và cho thu hoạch liên tục trong 5 năm. Nhận thấy cây Sả Java phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương và có nhiều tiềm năng phát triển, vì vậy tháng 6.2018, huyện Mèo Vạc đã giao cho chị Hoàng Ngọc Trang, trú tại thị trấn Mèo Vạc là chủ đầu tư liên kết với người dân xã Khâu Vai trồng 1 ha Sả Java, đến nay mô hình đã được nhân rộng lên 12 ha. Được biết, giá bán 1 kg tinh dầu Sả Java giao động từ 380 – 450 nghìn đồng và có thị trường ổn định trong và ngoài nước.
Xọm đen là loại cây DL tự nhiên, có công dụng chữa các bệnh về xương, khớp. Cây Xọm đen phát triển được lâu năm, được nhân giống bằng phương pháp giâm cành hoặc gieo hạt, cây cao trung bình từ 80 – 120cm, ít kén đất, ưa ẩm, dễ thoát nước và thường được trồng ở thung lũng, khe suối, bìa rừng hoặc ở quanh nhà. Qua tham quan thực tế mô hình cây Xọm đen tại huyện Nà Pô, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), nhận thấy loài DL này phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của các xã giáp biên và nội địa của huyện. Do vậy, đầu năm 2018, huyện Mèo Vạc đã trồng thử nghiệm 2 ha cây Xọm đen tại thôn Lũng Làn, xã Sơn Vĩ. Hiện diện tích cây Xọm đen trên địa bàn đã và đang phát triển tốt. Còn đối với mô hình trồng cây Đương quy tại thôn Sủng Cáng, xã Sủng Trà. Do áp dụng tốt các quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, cách trồng, phòng trừ sâu bệnh nên hiện nay cây đang phát triển tốt và sẽ cho thu hoạch đầu năm 2020.
Đồng chí Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Để các mô hình trồng cây DL được thành công hơn nữa, huyện đã có những chính sách hỗ trợ về kinh phí chuyển đổi diện tích cây trồng, hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình; chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để bao tiêu sản phẩm; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho việc giao thương các sản phẩm DL; thường xuyên cử cán bộ chuyên môn xuống kiểm tra, hướng dẫn trực tiếp các quy trình kỹ thuật từ khâu chăm sóc đến khâu sản xuất; tổ chức cho người trực tiếp thực hiện mô hình đi học hỏi kinh nghiệm tại nhiều địa phương có mô hình dược DL quả…
Với sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền nhất là sự đồng thuận của người dân, các mô hình trồng cây DL hứa hẹn sẽ góp phần đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, phục vụ quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện theo hướng nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Từ đó, góp phần tăng thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững.
Bài, ảnh: Hoàng Tuyến