Đẩy mạnh phát triển công dân số
Công dân số được xem là yếu tố nền tảng đối với sự phát triển xã hội số, mở cánh cửa 'ngôi nhà chuyển đổi số'. Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách làm trong triển khai các nhóm tiện ích nhằm mục tiêu hình thành công dân số.
Xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số được xác định là 1 trong 3 khâu đột phá để thực hiện các chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Với quan điểm chuyển đổi số muốn thành công phải lấy người dân làm trung tâm, phải bắt đầu từ chuyển đổi nhận thức và thay đổi thói quen; phải làm cho người dân thấy kỹ năng, công nghệ số là thứ dễ dàng, thiết thực, cần thiết. Chuyển đổi số nếu tạo ra giá trị cho người dân, được người dân hưởng ứng, sử dụng thì chuyển đổi số sẽ đi vào cuộc sống, từ đó hình thành những công dân số, cộng đồng số và văn hóa số.
Từ đó, các cấp, các ngành, địa phương đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn về tiện ích, phổ cập kỹ năng số, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin để người dân chủ động khai thác, sử dụng các dịch vụ số.
Đồng chí Lê Minh Vương, Phòng Công nghệ bưu chính viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 với chủ đề: "Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động", Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia phát động và triển khai chiến dịch ra quân hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn các huyện, thành phố với nội dung: Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ để phát triển kinh tế số, xã hội số; đến trực tiếp các địa bàn dân cư để cùng trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm cũng như nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương.
Đưa các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân; đưa người dân lên môi trường số, giúp người dân tự tin, tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả, đặc biệt quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hiền, Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Lạc Hiền (xã Yên Hòa, huyện Yên Mô) cho biết: Thông qua các hoạt động tuyên truyền của Tổ công nghệ số cộng đồng đã giúp người dân nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; giới thiệu, hướng dẫn nhân dân sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu của đời sống như: y tế, giáo dục, chính sách xã hội; mua bán trên sàn thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt và sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID, tra cứu thủ tục hành chính.
Hiện nay, thôn Lạc Hiền đã lắp đặt wifi miễn phí công cộng; có 279/295 hộ lắp wifi; 284/295 hộ có điện thoại thông minh; 527/557 người từ 15 tuổi trở lên có sử dụng điện thoại thông minh; người dân tích cực tham gia giao dịch qua cổng dịch vụ công trực tuyến; các hoạt động của thôn được triển khai qua nhóm Zalo...
Nằm trong nhóm tiện ích phục vụ phát triển công dân số, tài khoản định danh điện tử VneID là tiện ích cần thiết mà người dân phải cài đặt. Công dân có thể thay thế thẻ Căn cước và các loại giấy tờ khác bằng tích hợp hiển thị trên ứng dụng VNeID.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, xã Lạc Vân (Nho Quan) cho biết: Việc sử dụng VneID trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến thuận lợi, nhanh chóng, người dân không phải mang giấy tờ theo người, thậm chí có thể nộp hồ sơ thủ tục hành chính tại nhà và có thể theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính qua ứng dụng VneID.
Mục tiêu của chuyển đổi số là hướng đến quyền lợi, lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Để thích ứng với sự chuyển mình mạnh mẽ trên môi trường số, tỉnh Ninh Bình đang nỗ lực phát triển công dân số, hướng tới mọi công dân đều có kiến thức cơ bản về công nghệ số; chủ động, tích cực sử dụng các nền tảng, công nghệ số thiết yếu để phục vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Theo thống kê, tính đến ngày 15/8/2024, tỉnh Ninh Bình có tỷ lệ người dân trưởng thành có điện thoại thông minh đạt khoảng 91%; tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 72,8%; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet đạt 90,5%; tỷ lệ dân số được phủ sóng mạng di động đạt 100%; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt 765.472 tài khoản. Đã cấp 808.810 tài khoản định danh điện tử, Bộ Công an phê duyệt 679.296 tài khoản, kích hoạt 633.435 tài khoản.
Tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh có Hồ sơ sức khỏe điện tử, được sử dụng trong hoạt động khám, chữa bệnh và theo dõi sức khỏe người dân, từng bước thay thế y bạ giấy đạt 90%. Tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám, chữa bệnh từ xa đạt 40%. Thanh toán học phí, viện phí không dùng tiền mặt đạt khoảng 50%. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến của Dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 83,95%...
Bài, ảnh: Tiến Minh
Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/day-manh-phat-trien-cong-dan-so/d20241009115748957.htm