Đẩy mạnh phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số
Thực hiện chủ trương, chính sách về công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước, những năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) người dân tộc thiểu số (DTTS) cả về số lượng và chất lượng, không chỉ bảo đảm tỷ lệ đội ngũ cán bộ người DTTS tham gia vào cơ quan Nhà nước, mà còn góp phần thúc đẩy KT-XH.
Toàn tỉnh hiện có trên 19.570 CBCCVC là người DTTS, chiếm 53,3% tổng số CBCCVC toàn tỉnh. Tỷ lệ cán bộ, công chức là người DTTS ở cấp tỉnh chiếm 20%, cấp huyện 40% và cấp xã là 86%. Thời gian qua, chính quyền các cấp trong tỉnh đã ban hành chương trình, đề án, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo từng năm, từng giai đoạn cụ thể. Từ đó, rà soát, lựa chọn, cử cán bộ người DTTS tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về trình độ lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, chuyên môn, các kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ theo vị trí việc làm... Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã mở trên 650 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho gần 40.240 lượt CBCCVC là người DTTS. Với nhiều loại hình đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ DTTS phát triển nhanh về số lượng, trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Ông Phạm Đức Long, Trưởng phòng Nội vụ huyện Yên Châu, cho biết: Từ năm 2018 đến nay, huyện Yên Châu đã chỉ đạo phòng, ban chuyên môn rà soát, đánh giá chất lượng, cử trên 1.500 lượt cán bộ người DTTS tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng. Sau khi đội ngũ cán bộ DTTS được cử đi đào tạo, bồi dưỡng về địa phương công tác đã vận dụng hiệu quả kiến thức, kết hợp với sự am hiểu về phong tục, tập quán, thông thạo ngôn ngữ để tuyên truyền, vận động thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương đến với người dân; nhất là các chính sách dân tộc được triển khai tại vùng đồng bào DTTS.
Xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu có 21 cán bộ, công chức thì đều là người DTTS. Hàng năm, xã đều cử mỗi cán bộ, công chức tham gia từ 2-3 lượt tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn chuyên sâu tại huyện, tỉnh. Hiện nay, 100% cán bộ, công chức xã đã được đào tạo trung cấp lý luận chính trị; 20/21 cán bộ, công chức có trình độ đại học. Chị Giàng Thị Mò, công chức Tư pháp - Hộ tịch xã, chia sẻ: Tôi vừa tốt nghiệp đại học Luật; qua đó, giúp tôi bảo đảm về tiêu chuẩn cán bộ công chức và trình độ để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tham mưu giải quyết những TTHC thuộc lĩnh vực phụ trách.
Công tác tuyển dụng, quy hoạch, bố trí cán bộ người DTTS được quan tâm và thực hiện theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, công khai. Hàng năm, Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện tốt công tác tuyển dụng công chức, viên chức đảm bảo theo quy định. Đối với ứng viên là người DTTS khi tham gia dự tuyển sẽ được cộng điểm ưu tiên theo quy định; sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng theo chế độ cử tuyển được xét tuyển dụng và bố trí công tác. Năm 2021, toàn tỉnh đã tuyển dụng được 2/2 công chức người DTTS thực hiện theo chế độ cử tuyển; 505 công chức, viên chức người DTTS các cấp; đến nay, một số dân tộc đặc biệt ít người đã có cán bộ ở cấp huyện, xã. Giai đoạn 2018-2021, thực hiện Đề án bố trí, tạo nguồn đội ngũ cán bộ, công chức là người dân tộc Mông và một số DTTS ít người trên địa bàn tỉnh, toàn tỉnh đã bố trí tạo nguồn 118/146 lao động hợp đồng là người dân tộc Mông, Dao, Khơ Mú, Sinh Mun, Kháng, La Ha, Lào tại 11/11 huyện, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ cao đẳng trở lên.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tỷ lệ cán bộ, công chức DTTS trong cơ cấu chung CBCCVC của địa phương tăng, song cơ cấu giữa các thành phần dân tộc chưa hợp lý, tỷ lệ cán bộ của một số DTTS chưa cân đối so với tỷ lệ dân số của dân tộc đó. Hiện, Sơn La còn thiếu CBCCVC là người DTTS có trình độ cao (thạc sỹ, tiến sỹ), nhất là trong lĩnh vực quản lý kinh tế, quy hoạch, kiến trúc, giao thông, xây dựng, y tế.
Để đội ngũ cán bộ là người DTTS có cơ hội đóng góp nhiều hơn, tỉnh ta kiến nghị với Chính phủ bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù, nhằm nâng cao chất lượng cán bộ, công chức người DTTS; hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cho những tỉnh miền núi có nguồn thu ngân sách thấp. Đồng thời, tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với CBCCVC người DTTS chưa đạt chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp theo quy định; trong đó, tập trung vào công chức cấp huyện và cán bộ cấp xã, cán bộ nữ, trẻ tuổi; nâng cao chất lượng đào tạo của các trường phổ thông dân tộc nội trú, tạo nguồn cán bộ là người DTTS tại cơ sở.