Đẩy mạnh phát triển du lịch huyện Triệu Phong

Triệu Phong là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, có địa hình đa dạng với nhiều gò đồi, sông ngòi, bãi biển đẹp, nhiều di tích lịch sử văn hóa tâm linh và danh lam thắng cảnh nổi tiếng rất hấp dẫn đối với du khách gần xa. Nhằm đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện, huy động các nguồn lực để đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch, các điểm du lịch, hạ tầng du lịch, HĐND huyện Triệu Phong đã ban hành Nghị quyết số 06/2018/ NQ-HĐND về việc thông qua 'Đề án phát triển du lịch huyện Triệu Phong đến năm 2025, định hướng đến năm 2030'.

 Chùa Sắc Tứ Tịnh Quang là một trong những ngôi chùa xưa nhất của tỉnh Quảng Trị, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu. Ảnh: Nguyễn Vinh

Chùa Sắc Tứ Tịnh Quang là một trong những ngôi chùa xưa nhất của tỉnh Quảng Trị, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu. Ảnh: Nguyễn Vinh

Ngày 20/6/2018, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) ban hành Quyết định số 2328/QĐ-BVHTTDL Quyết định xếp hạng di tích quốc gia Di tích lịch sử các địa điểm liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn (1558-1626) xã Triệu Ái, xã Triệu Giang, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong. Việc Triệu Phong đón nhận bằng xếp hạng cấp quốc gia Di tích lịch sử các địa điểm liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn là cơ hội lớn cho Triệu Phong mở ra hướng đi mới trong phát triển du lịch. Huyện Triệu Phong có Khu di tích nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, nơi gắn liền với tuổi trẻ và những năm tháng hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Duẩn, đồng thời là nơi giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; chùa Sắc Tứ Tịnh Quang là một trong những ngôi chùa xưa nhất và cũng là ngôi Tổ đình duy nhất của tỉnh Quảng Trị, thuộc hệ phái phật giáo Bắc tông- biểu tượng tâm linh của Phật giáo tỉnh Quảng Trị… Ngoài ra, Triệu Phong còn nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử văn hóa lâu đời, các lễ hội đặc sắc cùng ẩm thực phong phú, đây là cơ sở quan trọng để khai thác phát triển du lịch, thu hút du khách đến với Triệu Phong.

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, ngành du lịch huyện Triệu Phong đã đạt được những kết quả bước đầu. Nhận thức của các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân về phát triển du lịch nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống ngày càng nâng lên. Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch có nhiều đổi mới. Quản lí nhà nước về du lịch từng bước được tăng cường. Hệ thống cơ sở lưu trú và các dịch vụ kinh doanh du lịch đang dần được hình thành. Kết cấu hạ tầng thiết yếu ở các khu, điểm du lịch như giao thông, điện, nước, bưu chính viễn thông được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Trong đó, hệ thống giao thông toàn huyện có tổng chiều dài 1.197,83km, bao gồm: 32,3km quốc lộ (QL1 dài 7,4km và QL49C dài 24,9km); đường tỉnh ĐT.579: 6km; 111 tuyến đường nội thị; 23 tuyến đường huyện; 24 tuyến đường xã, đường liên thôn và khoảng 600km đường thôn xóm. Nhiều cây cầu lớn được xây dựng có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, giao thông của địa phương như cầu Cửa Việt (xã Triệu An), cầu Đại Lộc ( xã Triệu Thuận); cầu Thành Cổ (xã Triệu Thượng). Có 15 chợ được đầu tư nâng cấp, xây mới, trong đó 8 chợ được đầu tư xây dựng kiên cố với hơn 2.500 tiểu thương kinh doanh. Tính đến năm 2018, lượng khách đến Triệu Phong hằng năm ước đạt 36.300 lượt khách (trong đó, Lễ hội Chợ Đình Bích La: 20.000 lượt khách; Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang: 5.000 lượt khách; Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn: hơn 8.000 lượt khách), chủ yếu là khách trong tỉnh và khách nội địa.

Tuy nhiên, kết quả về hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Triệu Phong vẫn chưa thật sự tương xứng với những tiềm năng và lợi thế sẵn có của địa phương, vì vậy để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND đề ra, phấn đấu đến năm 2025 thu hút khoảng 45.000 lượt khách du lịch, tổng doanh thu ước đạt 160 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 5,71% tổng giá trị thương mại, dịch vụ, du lịch của huyện; đến năm 2030 thu hút khoảng 66.000 lượt khách du lịch, tổng doanh thu ước đạt 310 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 8,37% thì du lịch Triệu Phong cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư để tạo ra “cú hích” mang tính đột phá. Theo đó, huyện đã xây dựng một số giải pháp trọng tâm thực hiện từ nay đến năm 2025 như: Củng cố, xây dựng các điểm, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch bằng nhiều nguồn, trong đó chú trọng xã hội hóa; quan tâm đến môi trường, cảnh quan các điểm du lịch và di tích bảo đảm tiêu chí xanh, sạch, đẹp; huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông vào các tuyến du lịch trọng yếu; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả quản lí nhà nước về hoạt động du lịch…

Huyện cũng đã xác định rõ phát triển du lịch Triệu Phong phải phù hợp với chiến lược phát triển du lịch của tỉnh và qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện trên cơ sở xây dựng và thực hiện tốt qui hoạch tổng thể, qui hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch; liên kết với các trung tâm du lịch trong và ngoài tỉnh để hình thành các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch lịch sử, văn hóa; du lịch tâm linh. Khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng du lịch hiện có gắn với trùng tu, tôn tạo, gìn giữ các nguồn tài nguyên để tạo ra bước phát triển mới cho ngành du lịch. Bên cạnh đó, huyện cũng đã đề ra các giải pháp cụ thể nhằm bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống độc đáo, đặc trưng hiện có trên địa bàn như: Lễ hội Chợ Đình Bích La (làng Bích La), các hoạt động lễ hội như: Lễ hội bài chòi (làng Ngô Xá Tây), Lễ hội cầu ngư (làng Phú Hội), Lễ hội cầu yên (làng Nại Cửu), lễ hội đua thuyền truyền thống... để thu hút đông đảo nhân dân và khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế du lịch của huyện để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại, du lịch, dịch vụ; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp.

Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND của HĐND huyện về phát triển du lịch trong thời gian tới dựa trên quan điểm và lộ trình, quy hoạch chung của tỉnh, nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế với những bước đi bền vững, làm động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị tài nguyên trên địa bàn.

Hà Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=140459