Đẩy mạnh phát triển giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có nhiều lợi thế để phát triển, tuy nhiên giáo dục và đào tạo của vùng vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn.
Ngày 14/7, tại Quảng Trị, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tiếp theo 5 Hội nghị trước đó tại 5 vùng kinh tế - xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm bàn sâu, đánh giá đúng tình hình, thống nhất các giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo của vùng, qua đó góp phần quan trọng để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra.
Phát biểu chào mừng tại Hội nghị, ông Võ Văn Hưng- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, bước ra khỏi chiến tranh với sự hoang tàn, đổ nát và liên tục đối mặt với thiên tai bão, lũ phá hủy nhiều cơ sở dạy và học quan trọng, ngăn trở bước chân đến trường của thầy và trò, nhưng với tinh thần hiếu học, tự lực, tự cường đã làm cho “thép đã nở hoa trên vùng đất lửa”. Những thành tựu quan trọng và quá trình lớn mạnh của ngành giáo dục được đánh giá là cao hơn nhiều so với mặt bằng phát triển chung của nền kinh tế tỉnh Quảng Trị.
"Hiện nay, quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS đã giúp giảm các trường học có quy mô nhỏ và các điểm trường lẻ, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Cơ sở vật chất trường học được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp khang trang, sạch đẹp, trang thiết bị dạy học được bổ sung đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục"- ông Hưng cho biết.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Kim Sơn- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, nhất là về kinh tế biển và quốc phòng, an ninh biển, đảo của Tổ quốc; là "mặt tiền" của quốc gia, "khúc ruột" của Tổ quốc, là "cửa ngõ" ra biển cả, "bệ đỡ" cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây với đường hàng hải, hàng không quốc tế; và có vị trí địa lý chiến lược về giao lưu kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây. Đây cũng là Vùng có quy mô diện tích lớn nhất cả nước, chiếm 28,93% diện tích cả nước, với hơn 50 dân tộc anh em cùng sinh sống.
Phát huy những tiềm năng, lợi thế to lớn, vượt trội, kinh tế, văn hóa, xã hội của Vùng đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Đời sống vật chất và tinh thần, thu nhập và mức sống của nhân dân, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bảo ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được nâng lên rõ rệt. Chất lượng giáo dục, đào tạo từng bước được nâng cao và đạt được những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận.
"Mặc dù vậy, giáo dục và đào tạo của vùng vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức như: nhiều chỉ số về phát triển còn thấp hơn mức trung bình của cả nước; chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đồng đều giữa các địa phương trong Vùng. Còn đầy thách thức, nhiều khó khăn khác cần tiếp tục nhận diện, có giải pháp phù hợp để khắc phục và phát triển trong thời gian sắp tới"- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những việc đã làm được trong thời gian qua và trên cơ sở đó cùng nhau đề ra các giải pháp để phát triển giáo dục vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045.