Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp
Theo ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, những năm gần đây, kinh tế tập thể trong nông nghiệp phát triển vượt bậc và mang tính bền vững. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 222 hợp tác xã (HTX), trong đó có 198 HTX hoạt động về lĩnh vực nông nghiệp, với gần 10.000 thành viên tham gia, diện tích sản xuất hơn 12.000ha, số vốn điều lệ hơn 65 tỷ đồng; có 1 liên hiệp HTX artemia với 4 HTX là thành viên. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh còn có hơn 1.200 tổ hợp tác (THT) nông nghiệp, thu hút hơn 18.800 thành viên tham gia và số vốn góp trên 9,9 tỷ đồng...
Có thể nói, kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp là “đòn bẩy” hữu hiệu nhất để hỗ trợ nông dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng phát triển kinh tế gia đình, thông qua việc tham gia vào HTX, THT, tạo sự liên kết giữa các hộ dân sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản… với số lượng hàng hóa lớn, đạt các tiêu chuẩn cũng như đảm bảo chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, đáp ứng theo nhu cầu thị trường. Thông qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương và các đơn vị liên quan hỗ trợ các HTX, THT hay tự thân HTX, THT kêu gọi, thu hút các công ty, doanh nghiệp đến liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu vào, đầu ra cho các HTX, THT. Và khi được công ty, doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ thường sản phẩm có giá bán tốt hơn so với bên ngoài HTX, THT, góp phần giúp thành viên HTX, THT tăng cao lợi nhuận sau thu hoạch và phát triển sản xuất bền vững.
Phấn khởi khi HTX làm ăn ngày càng phát đạt nhờ sự quan tâm của các ngành chuyên môn, chính quyền địa phương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tín Phát, xã Kế Thành, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) Nguyễn Văn Đậm chia sẻ: “HTX thành lập vào năm 2005, số thành viên HTX chỉ vài chục người sản xuất cùng giống lúa. Sau thu hoạch, lúa bán cho các thương lái giá tốt hơn so với bên ngoài HTX. Kể từ năm 2016 và cho đến thời điểm hiện tại, HTX phát triển vững mạnh là nhờ giúp sức của Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Sóc Trăng, từ số lượng thành viên vài chục tăng lên đến 320 thành viên, diện tích sản xuất vài chục ha tăng lên 524ha. Toàn bộ diện tích sản xuất lúa được công ty, doanh nghiệp bao tiêu đầu ra trong năm. Ngoài sản lượng lúa thương phẩm được công ty, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ với hàng ngàn tấn/năm, HTX còn sản xuất giống lúa cung ứng ra thị trường từ 700 - 800 tấn/năm…”.
Còn Giám đốc HTX Thủy sản Hưng Phú, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) Trần Quang Cần thì thông tin, HTX thành lập năm 2015, có 19 thành viên, diện tích đất sản xuất là 84ha, hoạt động của HTX là nuôi trồng thủy sản, sản xuất tôm khô, cá khô… Theo đó, HTX nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC nên được công ty thủy sản bao tiêu đầu ra, lợi nhuận trong mùa vụ nuôi tôm của các thành viên rất tốt, thu nhập mỗi thành viên khoảng 5 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, HTX chuyên sản xuất tôm khô, cá khô các loại và sản phẩm chính là tôm một gió, đây là sản phẩm đạt 4 sao OCOP cấp tỉnh. Hiện tại, HTX được chọn là 1 trong 5 HTX của tỉnh tham gia “Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương, giai đoạn 2021 - 2025” theo Quyết định số 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Để phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp ngày càng vững mạnh, bền vững, đồng chí Thái Thanh Tân - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Sóc Trăng chia sẻ: “Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bản chất, cơ chế hoạt động của HTX kiểu mới, vai trò và lợi ích của kinh tế hợp tác, HTX. Phối hợp địa phương xây dựng mô hình HTX hoạt động hiệu quả, sản xuất theo tiêu chuẩn, chất lượng theo yêu cầu thị trường, truy xuất được nguồn gốc, liên kết tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm của HTX, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, hỗ trợ cho các HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận các chính sách hỗ trợ để HTX, THT có điều kiện nâng cao các hoạt động. Đồng thời, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các viện, trường mở các lớp đào tạo lãnh đạo HTX tiếp cận tri thức mới về nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, kiến thức cơ bản về kinh tế thị trường cùng các kỹ năng truyền thông, bán hàng, tiếp cận công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong nông nghiệp. Thúc đẩy sự liên kết giữa các HTX trong cùng lĩnh vực, chất lượng, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, để thực hiện tốt các khâu trong chuỗi liên kết, gắn với cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới…”.