Đẩy mạnh phát triển trồng rừng nguyên liệu

Cùng với sự tăng trưởng ngoạn mục của ngành gỗ và lâm sản xuất khẩu, thời gian qua, công tác trồng rừng đã có sự phát triển hiệu quả. Tuy nhiên, để đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến lâm sản, các doanh nghiệp và địa phương cần hướng tới trồng rừng tập trung, nâng cao hơn nữa chất lượng cây trồng và bảo đảm nguồn gốc chứng nhận theo quy định.

Nông dân huyện Sơn Động (Bắc Giang) chăm sóc vườn ươm cây keo giống. Ảnh: YÊN ĐỊNH

Nông dân huyện Sơn Động (Bắc Giang) chăm sóc vườn ươm cây keo giống. Ảnh: YÊN ĐỊNH

Bảo đảm chất lượng cây giống

Theo đánh giá của các nhà quản lý, nguyên liệu gỗ và lâm sản của nước ta mới đáp ứng được hơn 70% nhu cầu của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trong nước. Nhu cầu ngày càng tăng cao, đòi hỏi doanh nghiệp trồng rừng và các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa diện tích rừng trồng, nâng cao năng suất, chất lượng các vùng nguyên liệu lâm sản. Hiện, có 183 giống cây lâm nghiệp được công nhận, trong đó 55 giống đang được trồng phổ biến. Các loài keo và bạch đàn chiếm 70% diện tích rừng trồng sản xuất, với diện tích tương đương hơn một triệu héc-ta. Cả nước có khoảng hơn 700 đơn vị, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống có đăng ký, trong đó có 30% số này thuộc ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp, sản xuất khoảng 20% số lượng cây giống hằng năm và hơn 500 doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình sản xuất khoảng 80% số lượng cây giống cung cấp cho trồng rừng. Nhờ giống tốt và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, năng suất rừng trồng cả nước ngày càng tăng, đạt bình quân khoảng 15 m3/ha/năm, tăng 50% so 10 năm trước.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, đến năm 2025, cả nước phấn đấu đạt khoảng 3,5 triệu ha rừng trồng cho sản xuất, trong đó 50% diện tích được ứng dụng công nghệ giống mới và bảo đảm hai triệu héc-ta rừng có chứng chỉ rừng bền vững. Hiện, việc thực thi pháp luật về giống cây trồng lâm nghiệp đã được quản lý chặt chẽ theo chuỗi từ khâu công nhận giống, nguồn giống, vật liệu nhân giống đến cây trồng rừng. Thông qua đó, việc nhân giống, chuyển giao vào sản xuất góp phần tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều chủ rừng sử dụng giống cây lâm nghiệp không rõ nguồn gốc, có năng suất, chất lượng thấp. Trong đó, vẫn còn khoảng 15% số cây giống sản xuất hằng năm chưa kiểm soát được. Giá thành sản xuất cây giống mô, hom còn cao, nguồn giống có chất lượng di truyền còn hạn chế. Trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu và sản xuất giống còn thiếu và lạc hậu... Đây là những hạn chế cần khắc phục, nhằm sớm đưa công tác sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp có chất lượng cao theo quy trình bắt buộc có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan có trách nhiệm.

Phát triển vùng nguyên liệu bền vững

Để dần làm chủ được nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp trồng rừng và các địa phương cần đẩy mạnh phát triển rừng chất lượng cao. Tuy nhiên, việc trồng rừng sẽ liên quan trực tiếp đến quỹ đất cũng như năng lực đầu tư của các nhà sản xuất. Trong khi đó, thực tế hiện nay, quỹ đất rừng chủ yếu giao khoán cho các hộ gia đình. Việc sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, không theo quy hoạch chung. Để phát triển nhanh, ổn định các vùng nguyên liệu lâm sản, cần quy hoạch phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa hiện đại, tạo năng suất, chất lượng cao.

Theo Chủ tịch HĐQT Công ty Scansia Pacific Nguyễn Chiến Thắng, nhu cầu nguyên liệu của ngành chế biến gỗ và lâm sản hiện nay đang kích thích việc trồng rừng. Theo thống kê, năm 2018, tổng nguồn cung cấp nguyên liệu gỗ cho các doanh nghiệp là hơn 40 triệu m3, trong đó, riêng nguyên liệu khai thác trong nước đã đạt hơn 30 triệu m3. Theo đó, ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đã nâng cao được tỷ lệ sử dụng nguyên liệu trong nước, từ đó thúc đẩy giá trị gia tăng của nguồn cung cấp nguyên liệu gỗ.

Nhận xét về năng lực sản xuất nguyên liệu gỗ và lâm sản hiện nay, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, trừ gỗ cao-su, gỗ vườn nhà, còn lại gỗ rừng trồng chủ yếu có đường kính nhỏ, năng suất thấp, chất lượng chưa cao. Các loại sản phẩm gỗ rừng trồng hiện nay dùng để chế biến xuất khẩu chủ yếu là keo, cao-su, ngoài ra một số loại gỗ khác như bạch đàn, bồ đề, mỡ… đóng góp tỷ lệ thấp, chất lượng không cao. Đối với cao-su, sản lượng khai thác hằng năm có hạn. Thực tế, diện tích cao-su đã định hình khoảng gần một triệu héc-ta, mỗi năm thanh lý khoảng 15 nghìn héc-ta (tương đương 5 triệu m3). Đối với gỗ keo, một số giống đang có nguy cơ giảm về năng suất, chất lượng vì nguồn giống đang trong quá trình bị thoái hóa. Do đó, cần có kế hoạch đầu tư dài hạn, liên tục để nghiên cứu, bổ sung thêm một số giống cây trồng nhằm cung cấp gỗ lớn cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. Thị trường thế giới hiện đang ưa chuộng sản phẩm gỗ xoan đào, xoan ta nên cần có những nghiên cứu và chính sách phù hợp để phát triển trồng những loại cây này.

Trồng rừng đang có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển do nhu cầu chế biến, sản xuất gỗ và lâm sản gia tăng. Cùng với việc nâng cao vai trò quản lý nhà nước của ngành lâm nghiệp, đòi hỏi các địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn gốc các cây giống đưa vào sản xuất, kiên quyết không sử dụng giống cây không rõ nguồn gốc để gieo ươm. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách, hỗ trợ tín dụng, đầu tư cơ sở hạ tầng, khuyến khích thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao giống cây trồng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Năm 2018, cả nước trồng được hơn 231.000 ha rừng tập trung; trong đó có khoảng 197.000 ha rừng trồng có kiểm soát và chứng nhận nguồn gốc (chiếm 85% diện tích). Quý I năm 2019, các địa phương đã chuẩn bị được 187 triệu cây giống các loại và trồng 25.000 ha rừng tập trung, tăng 38% so cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, cả nước cũng đã trồng được hơn 11 triệu cây phân tán các loại, bằng 120% so cùng kỳ năm 2018.

DŨNG MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/40518202-day-manh-phat-trien-trong-rung-nguyen-lieu.html