Đẩy mạnh phòng, chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại
Những tháng đầu năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, qua đó phát hiện và xử lý kịp thời nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, giả mạo nhãn hiệu theo đúng quy định của pháp luật.
Thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ngay từ đầu năm, Cục QLTT Hà Giang tập trung lực lượng, phương tiện, ngoài việc đấu tranh phòng ngừa còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh ký cam kết không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu; không sản xuất, mua bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hứu trí tuệ, hàng kém chất lượng và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Từ đầu năm đến nay, thị trường hàng hóa diễn biến sôi động, tăng mạnh cả về số lượng, chủng loại và chất lượng. Tuy nhiên vẫn còn các tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm trong lĩnh vực VSATTP, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, vi phạm về nhãn, mác... thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp nhằm trốn tránh các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát như: Chia nhỏ hàng hóa để vận chuyển, thời gian hoạt động không theo quy luật, theo dõi hoạt động của cơ quan chức năng để đối phó; trộn lẫn hàng hóa vi phạm với hàng không vi phạm, gây rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát. Các hành vi vi phạm diễn ra ở nhiều mặt hàng, chủng loại như: Kinh doanh hàng quá hạn sử dụng ghi trên nhãn mác, không đảm bảo quy định đối với nguồn ô nhiễm và các yếu tố gây hại vi phạm về điều kiện VSATTP; không niêm yết giá hàng hóa; sản xuất, kinh doanh rượu không dán tem, không đủ các điều kiện theo quy định hiện hành; thuốc bảo vệ thực vật quá hạn sử dụng; hàng hóa nhập có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt Nam. Vận chuyển động vật không đúng số lượng ghi trong giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép…
Trước những thủ đoạn tinh vi, phức tạp đó, lực lượng QLTT Hà Giang đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, ngành chức năng; chỉ đạo các Đội QLTT chủ động nắm bắt diễn diến tình hình thị trường; thực hiện kế hoạch kiểm tra, kiểm soát cụ thể theo từng nội dung, tính chất của từng địa bàn nhằm ngăn chặn, giảm thiểu các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần làm cho thị trường ngày càng lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, những nhà sản xuất chân chính. Trong 5 tháng đầu năm 2023, qua công tác nắm tính hình, tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra những vụ vi phạm nhỏ, không mang tính tổ chức, đường dây, ổ nhóm; lực lượng QLTT kiểm tra 342 vụ, xử lý 314 vụ vi phạm với số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 1,1 tỷ đồng; trị giá hàng hóa áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trên 393 triệu đồng. Đặc biệt, lực lượng QLTT tuyên truyền, vận động được 2.076 tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh ký cam kết không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu; không sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng; tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại.
Theo Đội trưởng Đội QLTT số 3 Đặng Văn Sáu: Hiện nay, ngoài việc làm giả hàng của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, các đối tượng còn làm giả hàng có thương hiệu tốt trong nước, được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích người tiêu dùng, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt, mạnh tay của các lực lượng chức năng rất cần người dân nâng cao cảnh giác, thận trọng trong việc lựa chọn, mua sắm, đặc biệt là nâng cao sự hiểu biết để phân biệt hàng thật và hàng nhái, hàng kém chất lượng.