Đẩy mạnh phòng chống tình trạng 'đội lốt' hàng Việt
Tại cuộc họp báo của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), ngày 30/7, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Đàm Thanh Thế đã trao đổi về tình hình đấu tranh với những thủ đoạn buôn lậu hàng cấm, hàng giả, gian lận xuất xứ, nhãn hiệu thời gian qua.
Ông Đàm Thanh Thế cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 85.892 vụ việc vi phạm (giảm 16 % so với cùng kỳ 2018), thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) đạt trên 6.165 tỷ đồng, khởi tố 1.311 vụ (tăng trên 47 % so với cùng kỳ 2018), với 1.546 đối tượng (tăng trên 56% so với cùng kỳ 2018).
Đại diện Ban Chỉ đạo 389 nhận định, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp.
Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức và manh động. Đặc biệt, thời gian gần đây, nổi lên tình trạng buôn bán, vận chuyển ma túy; hàng hóa sản xuất từ nước ngoài, hàng giả, hàng nhái, giả mạo xuất xứ, nhãn mác “Made in Việt Nam” để gian lận thương mại, gây thất thu NSNN, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp Việt Nam và thiệt hại người tiêu dùng.
Ở tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Đặc biệt là biên giới phía Bắc, có tình trạng lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan để buôn lậu. Mới đây tại Lào Cai, lực lượng chức năng đã phát hiện 16 container chứa 440 tấn hạt dẻ có dấu hiệu lợi dụng chính sách hàng tạm nhập-tái xuất thẩm lậu vào nội địa.
Còn trên tuyến biên giới miền Trung, trọng điểm là các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép chủ yếu là các mặt hàng rượu, bia, nước giải khát, động vật hoang dã và buôn bán, vận chuyển ma túy diễn biến rất phức tạp.
Đáng chú ý có nhiều vụ việc đối tượng liều lĩnh chống trả lực lượng thi hành công vụ như trường hợp Thiếu tá Vi Văn Nhất- Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa hy sinh khi đang làm nhiệm vụ truy bắt tội phạm ma túy.
Trong thị trường nội địa, tình trạng buôn bán, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phức tạp, có chiều hướng gia tăng ở khắp các vùng miền, đặc biệt khu vực đô thị, với nhiều mặt hàng như: xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng bách hóa tiêu dùng, dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu…
Hiện nay, nổi lên tình trạng các đối tượng người nước ngoài cấu kết với người địa phương, thuê kho, xưởng để tàng trữ, pha chế ma túy vận chuyển đi nước thứ 3 tiêu thụ. Điển hình vụ việc ngày 11/5/2019, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an (C04), Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và các lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ 507,5kg Ketamin.
Hoạt động buôn bán hàng hóa qua mạng Internet diễn ra rất phổ biến nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị trà trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Hiện các cơ quan chức năng đang tích cực triển khai các biện pháp để đấu tranh ngăn chặn tình trạng này. Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) nhận định: Các thủ đoạn có thể không mới nhưng mức độ tinh vi, phức tạp hơn.
Hàng lậu 70-80% là hàng giả, nhái các nhãn hiệu, các đội tượng làm giả nhái luồn lách các kẽ hở chính sách, thực hiện gian lận thương mại, do đó cơ quan quản lý đang tập trung xử lý quyết liệt các tụ điểm, ổ nhóm. Để khắc phục những kẽ hở chính sách, ông Trần Hữu Linh cho hay Bộ Công Thương đang lấy ý kiến rộng rãi quy định về xuất xứ hàng Việt Nam tiêu thụ nội địa.
“Thời gian tới, các cơ quan truyền thông cũng cần hỗ trợ tập trung nhiều thông tin giúp ích cảnh báo người tiêu dùng trong việc nhận biết tránh mua phải sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái kém chất lượng”, ông Trần Hữu Linh nói.
Về nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, ông Đàm Thanh Thế cho biết: Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nắm tình hình cả chiều rộng lẫn chiều sâu, trên cơ sở đó dự báo sát tình hình, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành chống đối với chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tiếp tục hoàn thiện, ban hành một số kế hoạch, quy định trọng điểm như: Kế hoạch tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; kế hoạch chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng theo Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ. Ban Chỉ đạo 389 sẽ phối hợp các đơn vị liên quan, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách; điều chuyển, đề xuất điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.