Đẩy mạnh phòng ngừa tác hại của rượu, bia
Khoảng 14 giờ ngày 16/2, một nhóm người tổ chức ăn nhậu bên bờ hồ trong công viên thành phố mới Bình Dương (phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).
Đang lúc sần sần, hai người trong nhóm thách nhau thi bơi qua bên kia hồ để xem ai là “nhà vô địch của năm”. Khi cả hai đã bơi được một đoạn thì một “bơi thủ” cảm thấy sợ hãi nên vội vã quay trở lại. Người còn lại cố gắng tiếp tục bơi nhưng đến giữa hồ thì chới với rồi chìm nghỉm giữa dòng nước. Lúc này, phía bờ đối diện có một nhóm cũng đang “dzô dzô”, thấy vậy liền bỏ ly nhảy xuống bơi ra cứu. Nhưng khi một người bơi gần đến chỗ nạn nhân thì bất ngờ xuôi tay và chìm luôn. Sau quá trình tìm kiếm, đến 17 giờ cùng ngày, cán bộ, chiến sĩ đội cứu nạn của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy - cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Bình Dương mới vớt được thi thể của hai người xấu số này.
Vào Google tra cứu, mới biết rằng cái vụ nhậu tưng tưng rồi mấy “con gà tức nhau tiếng gáy” nên cà khịa cùng bơi qua hồ, qua sông để chuốc lấy hậu quả đau lòng không phải là chuyện hiếm gặp. Như vào chiều 22/8/2019, nhóm bốn người ngụ thị trấn Madagui (huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) rủ nhau đến nhậu bên bờ sông Đạ Quay (thuộc địa phận thôn 1, xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai). Sau mấy chầu nâng lên đặt xuống đầy phấn khích, có hai người trong nhóm thách nhau cùng bơi qua sông Đạ Quay. Khi ra đến giữa dòng thì một người bị nước nhấn chìm và cuốn trôi mất tích. Người kia may mắn bơi được vào bờ nên thoát nạn. Còn trước đó, vào lúc 16 giờ ngày 3/7/2019, khi đang ngồi nhậu trong quán ven rạch Ông Lớn (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), ba người đàn ông thách đố nhau bơi qua con rạch khiến cả ba bị đuối nước. Hai người được người dân gần đó chạy đến cứu kịp, còn một người không may đã tử vong…
Hầu hết những người tử vong vì nhậu xong rồi thách bơi là ở lứa tuổi thanh niên. Khi đã uống rượu, bia hay sử dụng những chất kích thích khác, chẳng có gì là bất thường khi những thanh niên này nảy sinh những việc làm bộc phát mà không nghĩ rằng chúng sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí là mất mạng mình. Chính cách suy nghĩ hấp tấp, bồng bột cộng với tính háo thắng của tuổi trẻ lại được rượu bia “tiếp sức”, “điều khiển” làm mờ đi lý trí khiến họ vô tình tạo ra những tình huống mất an toàn mà khi nhận ra được lỗi lầm thì đã quá muộn. Vì thế, vấn đề đặt ra lâu dài là phải làm thế nào để giới trẻ nói riêng và cả cộng đồng nói chung nhận rõ tác hại của rượu, bia mà chủ động có biện pháp phòng ngừa, sử dụng bia, rượu vừa phải trong đám cưới, đám tang, lễ hội, sinh nhật, gặp mặt… để không gây hại cho mình, cho người khác.
Ngày 14/6/2019, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1 năm nay. Điều 24 của luật này quy định rõ 5 biện pháp phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng. Đó là: tuyên truyền, vận động các gia đình, thành viên thuộc tổ chức, cộng đồng tham gia tuyên truyền và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia vào các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, xây dựng đời sống văn hóa và hoạt động khác tại cộng đồng; vận động, khuyến khích quy định trong hương ước, quy ước việc hạn chế hoặc không uống rượu, bia tại đám cưới, lễ hội trên địa bàn dân cư; vận động cá nhân, tổ chức không sử dụng rượu, bia không rõ nguồn gốc, xuất xứ; phát hiện, phản ánh người say, nghiện rượu, bia, để cảnh báo, phòng ngừa, xử lý hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Để làm tốt việc phòng ngừa tác hại của rượu, bia, bên cạnh việc xử phạt quyết liệt các trường hợp vi phạm theo quy định của luật, cần lắm sự vào cuộc vận động, tuyên truyền đồng bộ, mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục của chính quyền, cơ quan chức năng, cùng nhau phòng ngừa tác hại của rượu, bia… để góp phần xây dựng cuộc sống bình yên, hạnh phúc.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/148/235213/day-manh-phong-ngua-tac-hai-cua-ruou-bia.html