Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng
PTĐT - Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: 'Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu khó học thì lạc hậu, mà lạc hậu thì bị đào thải, tự mình đào thải mình'.
PTĐT - Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu khó học thì lạc hậu, mà lạc hậu thì bị đào thải, tự mình đào thải mình”.
Học tập suốt đời, học tập thường xuyên, học tập cho mọi người là tư tưởng chủ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự học và cũng là nội dung cốt lõi của xã hội học tập (XHHT) mà Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng. Quyết định 281/QĐ-TTg ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với công tác khuyến học, khuyến tài, tạo điều kiện cho mọi người dân được học tập thường xuyên, học suốt đời hướng tới một XHHT trong xu thế hội nhập toàn cầu. Căn cứ tình hình thực tế của tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các kết luận, thông báo, kế hoạch liên quan đến lãnh đạo công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng XHHT tới các địa phương, đơn vị.
Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng, Hội Khuyến học tỉnh tham mưu với UBND tỉnh, Ban chỉ đạo xây dựng XHHT tỉnh tổ chức 32 hội nghị tập huấn cấp tỉnh và cấp huyện cho hơn 10.000 lượt cán bộ là thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng XHHT, cán bộ khuyến học, Phòng Giáo dục và Đào tạo để quán triệt tinh thần cơ bản các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Trung ương, kế hoạch của tỉnh, hướng dẫn xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện của các đơn vị nhân rộng, đánh giá, công nhận các mô hình học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở Giáo dục và Đào tạo... đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nội dung và hình thức phong phú. Mỗi năm có hàng trăm tin, bài phản ánh các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT, nêu gương điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào khuyến học được đăng tải trên các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương, trên Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các đài truyền thanh địa phương, Tập san Giáo dục, Tập san Khuyến học, khuyến tài Đất Tổ, Website khuyến học…Phát huy vai trò nòng cốt liên kết với các tổ chức, các lực lượng tham gia khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT, Hội đã xây dựng các chương trình phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội: Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Tỉnh Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu giáo chức, Ban đại diện người cao tuổi... Bên cạnh đó, Hội Khuyến học tỉnh đã phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, các cấp, các ngành lồng ghép nội dung các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động với phong trào xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Cộng đồng khuyến học”, “Đơn vị khuyến học” theo phương châm gắn với nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, đơn vị và xây dựng, phát triển tổ chức hội vững mạnh.Nhằm xây dựng và nhân rộng các mô hình học tập, tháng 9 năm 2014 huyện Thanh Sơn và thị xã Phú Thọ được chọn thí điểm xây dựng mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập (mỗi đơn vị chọn 2 xã, phường, thị trấn). Thành phố Việt Trì và các huyện còn lại mỗi đơn vị chọn từ 1 đến 2 (xã, phường, thị trấn) thí điểm xây dựng các mô hình học tập. Sau 9 tháng triển khai thực hiện, toàn tỉnh có 850 gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập, 80 dòng họ đạt danh hiệu dòng họ học tập; 75 cộng đồng đạt danh hiệu cộng đồng học tập. Từ năm 2016 đến nay triển khai đại trà, nhân rộng các mô hình học trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị, toàn tỉnh hiện có 319.856 gia đình, 2.164 dòng họ, 2.493 cộng đồng đạt danh hiệu học tập. Đặc biệt, đầu năm 2018, Phú Thọ bắt đầu triển khai kế hoạch thí điểm xây dựng mô hình “Công dân học tập” - yếu tố cốt lõi trong các mô hình gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập. Tỉnh đã chọn 2 đơn vị là thành phố Việt Trì và Đảng ủy Khối các Cơ quan tỉnh làm điểm chỉ đạo, các huyện, thị còn lại chọn ít nhất 2 cơ quan đơn vị để triển khai thí điểm, với tổng số 7.673 người đăng ký thí điểm. Sau một năm, các đơn vị đã tiến hành kiểm tra, công nhận có 7.673 người đạt 10 tiêu chí “Công dân học tập”. Năm 2019 đã có 21/21 huyện hội và các đơn vị trực thuộc triển khai nhân rộng mô hình “Công dân học tập” với 11.591 người đăng ký danh hiệu “Công dân học tập”. Việc xây dựng mô hình công dân học tập đã gắn với các phong trào thi đua KHKT gắn với các cuộc vận động xây dựng gia đình, cơ quan, đơn vị văn hóa, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Phong trào được triển khai cả bề rộng lẫn chiều sâu gắn với các hoạt động hỗ trợ giáo dục trong và ngoài nhà trường “Tiếng kẻng, tiếng trống khuyến học”, “Giờ vàng khuyến học”, “Tiết kiệm nuôi lợn nhựa khuyến học”, học bổng 1+n, n+1... Mỗi năm có hàng ngàn học sinh, sinh viên, giáo viên được tặng học bổng, phần thưởng khuyến học, khuyến tài, chắp cánh ước mơ (bình quân từ 4-5 tỷ đồng/năm) do các nhà hảo tâm, chung tay góp sức của toàn xã hội quan tâm đến sự học.Những năm gần đây, các trung tâm học tập cộng đồng - một thiết chế giáo dục quan trọng cho người lớn đã có những nội dung, hình thức hoạt động theo phương châm “cần gì học nấy”, “học tập suốt đời cho mọi người dân”, mỗi năm có khoảng 250.000 lượt người tham gia các chương trình học tập đã góp phần quan trọng duy trì, phát triển phong trào học tập suốt đời trong nhân dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng XHHT từ cơ sở.Qua 5 năm xây dựng các mô hình học tập theo Quyết định 281/QĐ-TTg, Kế hoạch 2577/KH-UBND đã góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT, chất lượng nguồn nhân lực... Các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, học tập cho người lớn đã được quan tâm, tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đời sống văn hóa... Thông qua công tác tuyên truyền các cuộc hội thảo, tọa đàm, tổng kết Chỉ thị 11/CT-BCT... đã làm chuyển biến về nhận thức, việc làm, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, của toàn xã hội, của người dân về trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ tham gia học tập thường xuyên, học tập suốt đời hướng tới một mô hình XHHT thực sự là xu thế tất yếu trong thời kỳ hội nhập và đổi mới. Bên cạnh việc quan tâm đến “sự học” của con em trong độ tuổi đi học, việc học cho người lớn thông qua các hình thức giáo dục phi chính quy, không chính quy đã được quan tâm, chú trọng, minh chứng bằng số người dân trong độ tuổi lao động thường xuyên tham gia học tập để nâng cao chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo... Phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị đã góp phần thúc đẩy giáo dục phát triển, nhiều năm liên tục giáo dục Phú Thọ là 1 trong 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về chất lượng mũi nhọn và đại trà. Tỷ lệ học sinh bỏ học trong các cấp học giảm đáng kể. Duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3, phổ cập THCS mức độ 2, xóa mù chữ mức độ 2.
Tuy nhiên, nhận thức về vai trò, ý nghĩa của học tập suốt đời, xây dựng XHHT của một bộ phận cấp ủy, chính quyền và người dân còn hạn chế. Công tác thông tin, tuyên truyền về bộ tiêu chí, cách đăng ký, chấm điểm, đánh giá, bình xét danh hiệu một số nơi còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, trong thời gian tới các cấp hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 11/CT-TW của Bộ Chính trị, Kết luận số 49 của Ban Bí thư về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, các văn bản của Nhà nước về khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT; thực hiện tốt các chương trình phối hợp với MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể vận động cán bộ, đảng viên làm nòng cốt, gương mẫu tham gia xây dựng các mô hình học tập, chú trọng học tập của người lớn dưới nhiều hình thức. Tham mưu cho UBND các cấp tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức đăng ký, bình xét, đánh giá, công nhận các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập và cộng đồng học tập cấp xã, phấn đấu đến năm 2020 đạt và vượt chỉ tiêu Kế hoạch 4044/KH-UBND và Kế hoạch 2577/KH-UBND về “Xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020” và “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”... Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra, rà soát, đánh giá về tổ chức và chất lượng hoạt động của các trung tâm HTCĐ, hướng mọi hoạt động của thiết chế giáo dục quan trọng này vào tạo điều kiện cho người lớn được học thường xuyên, học suốt đời. Đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chú trọng biểu dương những mô hình học tập tiêu biểu, tiến tới Đại hội Thi đua Khuyến học năm 2020.
Nguyễn Thị Thành Chung
Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh