Đẩy mạnh phong trào tập bơi

Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đều đã tích cực triển khai phong trào toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống tai nạn đuối nước. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa về những kết quả đạt được trong quá trình triển khai, thực hiện chương trình, ông Võ Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết:

- Căn cứ Quyết định số 243 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 866 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Kế hoạch số 4123 của UBND tỉnh về việc đẩy mạnh triển khai Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2019, Sở VH-TT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm, phối hợp chỉ đạo các phòng, ban, ngành trên địa bàn triển khai các hoạt động, bám sát một số nội dung như: quan tâm bố trí kinh phí trong nguồn ngân sách hàng năm của địa phương để hỗ trợ dạy bơi, tuyên truyền phổ biến các kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho nhân dân, đặc biệt trong nhà trường, trung tâm thiếu nhi… Quy hoạch đất, đầu tư cơ sở vật chất và đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc xây dựng, lắp đặt các bể bơi tại các xã, phường, thị trấn và trường học; chỉ đạo các địa phương tổ chức lễ phát động “Toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước năm 2019”. Mục đích, yêu cầu của chương trình nhằm vận động toàn dân tích cực tập luyện môn bơi, nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực, phòng, chống bệnh tật cho trẻ em, cộng đồng; phát huy vai trò trách nhiệm của các cấp, ngành, gia đình, nhà trường và toàn thể xã hội trong việc phát triển phong trào dạy bơi, học bơi, góp phần từng bước giảm tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh.

- Xin ông cho viết việc triển khai Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2019 trên địa bàn tỉnh?

- Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh theo kế hoạch trong giai đoạn 2016 - 2020 và chương trình năm 2019, sở đã có văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị, trung tâm, phòng VH-TT các huyện, thị xã, thành phố thực hiện chương trình. Để có nguồn nhân lực cho các địa phương, Sở VH-TT phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai 2 lớp tập huấn cho lực lượng giáo viên các trường tiểu học, THCS. Qua 2 đợt, 86 giáo viên được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn. Riêng lễ phát động phong trào toàn dân tập bơi phòng, chống đuối nước, 8 huyện, thị xã, thành phố đều đã tổ chức. Đặc biệt, sau lễ phát động, TP. Nha Trang đã tổ chức giải bơi cho các em thiếu nhi.

Nhìn chung, hiện nay, việc triển khai hoạt động tập bơi, phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em được các địa phương tích cực hưởng ứng, có sự chủ động trong việc mở lớp dạy bơi cho các em học sinh trong dịp hè. Đặc biệt, tại Nha Trang, đã có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành tổ chức các lớp dạy bơi tại hồ bơi Trung tâm Tập luyện và thi đấu thể thao Nha Trang mới đưa vào sử dụng dịp hè này.

- Được biết, việc đẩy mạnh dạy bơi cho trẻ em đang tập trung ở các phường nội thị, vậy tại khu vực nông thôn thì tình hình ra sao, thưa ông?

- Hiện nay, ở khu vực nông thôn có một số trường tiểu học, THCS đã đầu tư lắp đặt hồ bơi theo chương trình đầu tư của Sở Giáo dục và Đào tạo. Đến thời điểm này, đã có 10 hồ được đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu dạy bơi, một số địa phương, giáo viên của các trường… cũng đã chủ động liên hệ với các hồ bơi tư nhân để mở lớp cho các học sinh trong dịp hè.

- Trong quá trình triển khai chương trình bơi gặp những khó khăn gì, thưa ông?

- Dù là hồ bơi của Nhà nước hay tư nhân thì vấn đề khó khăn lớn nhất vẫn là kinh phí để vận hành các hồ bơi. Tuy nhiên, các địa phương cũng đã chủ động xây dựng mức thu phí học bơi cho các học sinh trên tinh thần kêu gọi sự chung tay của cộng đồng, các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có sự xem xét ưu tiên việc miễn, giảm học phí cho các đối tượng gia đình chính sách, hộ nghèo… để tất cả các cháu đều có điều kiện tham gia.

- Xin cảm ơn ông!

AN NHIÊN (Thực hiện)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/201906/day-manh-phong-trao-tap-boi-8119122/