Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc: Phát huy cách làm hiệu quả, kết thúc mô hình không còn phù hợp
Để phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc lan tỏa và tiếp tục phát huy, công an các địa phương đã tăng cường tuyên truyền, mạnh dạn củng cố mô hình hiệu quả, dừng hoạt động mô hình không còn phù hợp. Nhờ sự linh hoạt trong công tác phòng ngừa mà tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở một số địa bàn trọng điểm thời gian qua ổn định.
Thời gian qua, Bình Dương đã xây dựng nhiều mô hình hưởng ứng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hiệu quả. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có tổng số 59 mô hình được xây dựng, quản lý và có hồ sơ quản lý theo đúng quy định. Công an tỉnh thường xuyên chỉ đạo công an các địa phương tăng cường rà soát, củng cố, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, hoạt động theo hướng “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải”, nhằm phát huy tốt hiệu quả, phục vụ công tác phòng ngừa tội phạm và bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.
Hội viên Hội Cựu chiến binh TP.Dĩ An tham gia khảo sát mô hình camera giám sát an ninh ở khu dân cư. Ảnh: CABD
Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong năm 2023 đơn vị đã tham mưu xây dựng mới 5 mô hình, gồm: Điểm chữa cháy công cộng; Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy; Tổ “Công nhân vệ sinh môi trường tham gia giữ gìn an ninh trật tự” trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một và thị trấn Dầu Tiếng; Xe ba gác chữa cháy lưu động ở phường Uyên Hưng (TP.Tân Uyên) và mô hình Tổ phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ lưu động trên địa bàn phường Vĩnh Tân (TP.Tân Uyên). Bên cạnh xây dựng mới các mô hình, Công an tỉnh cũng kết thúc 2 mô hình không còn phù hợp là mô hình “Tiếng kẻng an ninh” tại TP.Thủ Dầu Một và mô hình “Phong trào toàn dân bảo vệ “vùng xanh” phòng, chống dịch bệnh Covid-19” .
Để tiếp tục phát huy hiệu quả phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, định kỳ, lực lượng công an tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho thành viên các mô hình, tổ chức quần chúng ở cơ sở nhằm nâng cao các kỹ năng cần thiết khi tham gia giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, thời gian qua công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở các vùng đồng bào dân tộc, vùng đồng bào tôn giáo trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng. Nhiều mô hình đã được sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và tiếp tục phát huy những cách làm hay. Cụ thể, huyện Bắc Tân Uyên tổ chức sơ kết và củng cố mô hình “Xứ đạo an lành - văn minh” tại xã Lạc An; huyện Dầu Tiếng sơ kết mô hình “Tổ xung kích Làng Chăm” tại xã Minh Hòa...
Lực lượng công an với vai trò thường trực Ban Chỉ đạo 138 thường xuyên phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức những buổi gặp gỡ, giao lưu, sinh hoạt với các địa phương vùng tôn giáo, vùng dân tộc, giúp họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, nâng cao ý thức bảo vệ an ninh Tổ quốc. Qua các hoạt động cũng đã phát huy vai trò của các chức sắc, chức việc, nhà tu và quần chúng tín đồ, người có uy tín trong đồng bào tôn giáo vào phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa phương....
Hưởng ứng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhiều ban ngành đã có những cách làm hay để phong trào ngày càng lan tỏa. Cụ thể, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tiếp tục củng cố và duy trì 299 mô hình “Địa chỉ tin cậy” với 1.272 thành viên, 81 câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” với 1.823 thành viên…
Trong khi đó, Hội Cựu chiến binh tiếp tục phát huy mô hình “Tổ tự quản” do hội viên Hội Cựu Chiến binh là thành viên, hỗ trợ mô hình với nhiều hoạt động thiết thực như xuống từng nhà vận động, tuyên truyền cách phòng, chống tội phạm và đăng ký gia đình không vi phạm các tệ nạn xã hội, con em không tham gia đua xe trái phép... Hội viên đã vận động gia đình, người dân tại khu dân cư nơi cư trú tham gia gắn camera tựbảo vệgia đình, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.