Đẩy mạnh phong trào toàn dân tập bơi, phòng chống tai nạn đuối nước
Bể bơi Nam Hà (thị trấn Nga Sơn) đã hoạt động trong khoảng 4 năm trở lại đây thu hút khá đông trẻ em, người dân tới tham gia các lớp tập bơi, cũng như để học hỏi những kỹ năng, kinh nghiệm về 'an toàn' khi ở dưới nước.
TP Thanh Hóa lồng ghép nội dung bơi cứu đuối vào các lớp học bơi.
Các công trình phụ trợ xung quanh bể bơi khá đầy đủ, lực lượng giáo viên, hướng dẫn viên và nhân viên bảo vệ cứu hộ (từ 6 đến 8 người) luôn túc trực. Trong dịp hè này (từ 1-6), các lớp tập bơi, dạy kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước tại bể bơi Nam Hà thu hút hàng trăm lượt người, trong đó chủ yếu là trẻ em, học sinh. Ngoài ra, bằng chủ trương xã hội hóa, huyện cũng triển khai thêm 5 lớp dạy bơi, phòng chống cứu đuối miễn phí cho trẻ em của 5 xã trên địa bàn. Qua đánh giá của phòng văn hóa – thông tin huyện, phong trào toàn dân tập bơi, phòng chống tai nạn đuối nước triển khai năm nay đã đạt được những hiệu quả nổi bật, trong đó quan trọng nhất là đã nâng cao ý thức của người dân về phòng chống tai nạn đuối nước, tác dụng, ý nghĩa của việc tập bơi đối với trẻ em, học sinh. Đây cũng là sân chơi rất bổ ích thiết thực trong dịp hè này giúp các gia đình yên tâm gửi gắm con em mình và cũng là để các em được rèn luyện, nâng cao thể chất, được trang bị những kỹ năng an toàn dưới nước.
Tại huyện Thạch Thành, với đặc thù là địa phương thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, bão lụt, do vậy, nhu cầu học bơi của người dân những năm gần đây tăng cao. Mặc dù vậy, hiện mới có 2 bể bơi gồm bể bơi Huy Lâm (thị trấn Kim Tân), bể bơi Sơn Đạm (xã Thạch Quảng). Đây là 2 bể bơi do doanh nghiệp đầu tư đã được UBND huyện cấp phép hoạt động. Trong dịp hè năm nay, 2 bể bơi đã triển khai các lớp dạy bơi cho trẻ em, học sinh và cả người lớn. Không chỉ thu hút đông đảo số lượng người tham gia, các bể bơi cũng đã chủ động lồng ghép các nội dung phổ biến kiến thức, trang bị các kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước cho các học viên. Phòng văn hóa – thông tin huyện cũng có sự phối hợp đưa các tài liệu, tuyên truyền về ý nghĩa của việc học bơi, tiếp thu các kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước, lồng ghép vào chương trình học của các lớp.
Cũng với sự chủ động, cách làm tương tự, phong trào toàn dân tham gia tập bơi, phòng chống tai nạn đuối nước cũng có sự lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn các huyện cả ở vùng miền núi, đồng bằng trên địa bàn tỉnh. Huyện Hà Trung tổ chức các lớp dạy bơi, trang bị kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước cho hơn 200 lượt em học sinh, thanh thiếu niên của các xã, thị trấn tại bể bơi của huyện. Huyện Cẩm Thủy đã vận dụng lắp đặt bể bơi thông minh, tổ chức các lớp dạy bơi, đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là đối tượng thanh, thiếu niên, học sinh. Đây là những sân chơi rất thiết thực, an toàn và bổ ích cho các em, giúp hạn chế tình trạng các em ra sông, suối để tắm, bơi trong điều kiện không an toàn, có nguy cơ cao xảy ra đuối nước.
TP Thanh Hóa là nơi có phong trào toàn dân tham gia tập bơi, phòng chống cứu đuối nổi bật nhất trong nhiều năm qua với hàng trăm lớp tập bơi, thu hút hàng nghìn em tham gia. Hè năm nay, bên cạnh việc duy trì đều đặn các lớp dạy bơi tại các bể bơi kiên cố, hệ thống bể bơi thông minh lắp đặt tại các trường học, TP Thanh Hóa còn đưa các nội dung dạy kỹ năng phòng chống đuối nước, kỹ năng sơ cấp cứu lồng ghép vào chương trình đào tạo, đồng thời bố trí thêm cán bộ hỗ trợ.
Để nâng cao chất lượng của phong trào, tạo khí thế cho những năm tiếp theo, dưới hình thức xã hội hóa và căn cứ vào điều kiện của mình, nhiều địa phương trong tỉnh còn tổ chức các giải bơi, bơi cứu đuối với sự tham gia, tranh tài sôi nổi của đông đảo các vận động viên là những học viên bơi lội trên địa bàn. Đây còn là dịp để các địa phương tìm kiếm, tuyển chọn được những vận động viên có năng khiếu, tài năng để đào tạo, huấn luyện, tham gia các giải đấu cấp tỉnh, hội khỏe Phù Đổng các cấp...
Ông Nguyễn Duy Tự, Phó trưởng Phòng Quản lý TDTT (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Sau khi phát động, phong trào toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống tai nạn đuối nước đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Dù nhiều huyện còn khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất nhưng bằng sự vận dụng sáng tạo của mình, phong trào đã đạt được những hiệu quả nhất định, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong nhân dân. Đây sẽ là những tiền đề quan trọng để Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh, đưa phong trào trở thành hoạt động thường xuyên hằng năm.