Đẩy mạnh phong trào trồng rừng, trồng cây đầu năm
'Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân'. Từ lời kêu gọi năm xưa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến nay phong trào trồng rừng, trồng cây đầu năm đã trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc. Thực hiện lời dạy của Bác, những năm qua phong trào trồng cây, trồng rừng đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực hưởng ứng.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trung Lý (Mường Lát) tham gia công tác trồng rừng năm 2024.
Lên Mường Lát những ngày đầu năm, điều dễ nhận thấy những quả đồi trọc đã được phủ lên một màu xanh ngút ngàn của các loại cây lâm nghiệp. Sự đổi thay ấy có được nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và chuyển biến trong nhận thức của người dân về công trồng rừng. Ông Trần Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát, cho biết: Trong 5 năm trở lại đây, nhiều chương trình, dự án trồng rừng của Chính phủ và của tỉnh đã được triển khai thực hiện tại huyện Mường Lát, như: Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, Dự án 147, 661, trồng rừng vành đai biên giới... Để hoàn thành công tác trồng rừng, người dân được Nhà nước hỗ trợ gạo, giống cây, phân bón và hướng dẫn về khoa học - kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng. Không chỉ có sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền, những đơn vị lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn, như: Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5, bộ đội biên phòng... cũng góp phần quan trọng vào công tác phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay huyện Mường Lát đã trồng mới được gần 589ha rừng, nâng tổng số rừng trồng trên địa bàn huyện lên trên 10.000ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 77,47%. Có được kết quả trên, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia trồng và chăm sóc rừng, bảo vệ và phát triển rừng; phối hợp với các xã, thị trấn quy hoạch vùng rừng cần khoanh nuôi, bảo vệ tốt diện tích rừng phòng hộ, tích cực trồng rừng kinh tế, góp phần tích cực vào việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Để nâng cao công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững, huyện Mường Lát đang tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu quả các dự án trồng rừng nhằm tìm ra giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác phát triển rừng trên địa bàn, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo kế hoạch, năm 2024 toàn tỉnh có kế hoạch trồng mới 10.000ha rừng và 6,2 triệu cây phân tán các loại. Trong đó, tiếp tục chú trọng kế hoạch trồng rừng thay thế diện tích rừng đã chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác, trồng rừng sau khai thác; trọng tâm là phát triển rừng trồng gỗ lớn, cấp chứng chỉ rừng và các loại cây lâm nghiệp chủ lực, có lợi thế của từng địa phương để hình thành vùng nguyên liệu tập trung, gắn với chế biến và xuất khẩu, qua đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất cho ngành lâm nghiệp. Để đạt kế hoạch đề ra, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 24/1/2024 về tổ chức thực hiện “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn 2024, gắn với phong trào trồng 1 tỷ cây xanh, giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, nhằm thu hút mọi tầng lớp Nhân dân tham gia tích cực trồng cây, trồng rừng; đồng thời giao kế hoạch trồng rừng đến UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị cơ sở nhằm chủ động công tác chuẩn bị hiện trường, cây giống để ngay từ đầu năm thời tiết thuận lợi tổ chức ra quân trồng rừng. Cùng với đó, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, người dân về vai trò, tác dụng của việc trồng cây, trồng rừng và ý nghĩa của việc thực hiện tết trồng cây, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng khả năng cung cấp gỗ và lâm sản. Đồng thời, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo các công ty sản xuất giống cây lâm nghiệp quy hoạch các nguồn giống, hệ thống vườn ươm bảo đảm đủ cây chất lượng phục vụ trồng rừng; hướng dẫn kỹ thuật trồng mới; chỉ đạo hoàn thành tốt công tác thiết kế kỹ thuật các công trình lâm sinh; chuẩn bị hiện trường, cây giống; khuyến khích người dân sử dụng cây giống chất lượng cao; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trồng rừng thâm canh. Qua đó, tạo thành phong trào: “Người người trồng cây, nhà nhà trồng cây, toàn dân trồng cây, trồng rừng” gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái... Trong đó, vùng trung du, miền núi trồng các loại cây đa tác dụng, như: lim, lát hoa, sao đen, sưa, giổi ăn hạt. Vùng đồng bằng trồng các loại cây bóng mát, kết hợp lấy gỗ, như: hoa ban các loại, bàng Đài Loan, bằng lăng tím, giáng hương... Vùng ven biển, ưu tiên trồng các loại cây chắn gió, chắn cát bay, bảo vệ môi trường sinh thái.
Do có nhiều giải pháp tích cực, tính đến ngày 20/3/2022, toàn tỉnh đã trồng được 1.900ha rừng tập trung và trên 3,4 triệu cây phân tán. Đến nay, toàn bộ diện tích rừng trồng và cây phân tán đều đảm bảo kỹ thuật, tỷ lệ cây sống đạt cao, hiện đang được Nhân dân và các chủ rừng chăm sóc và phát triển tốt.