Đẩy mạnh quản lý thuế kinh doanh vận tải
Ngành Thuế tỉnh phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh quản lý đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và tăng cường chống thất thu thuế trong quản lý kinh doanh vận tải.
Đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh Bình Thuận” (gọi tắt là Đề án quản lý thuế kinh doanh vận tải - KDVT) được thực hiện theo Quyết định số 2056/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành từ tháng 7/2017. Theo đánh giá của Cục Thuế tỉnh, từ khi thực hiện đề án, kết quả phương tiện KDVT và số thuế lập bộ hàng năm đã tăng lên, góp phần tăng thu ngân sách. Riêng trong năm 2021, dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành dịch vụ, du lịch, dịch vụ vận tải đã tác động đến công tác quản lý thuế đối với hoạt động KDVT.
Qua số liệu thống kê năm 2021, toàn tỉnh có 892 tổ chức, cá nhân (đơn vị) hoạt động KDVT giảm 30 đơn vị so với năm 2019 và 107 đơn vị so với năm 2020. Tổng số phương tiện (xe) hoạt động KDVT ngành thuế đang theo dõi, quản lý trong năm 2021 là 2.250 xe, giảm 180 xe so năm 2019 và 228 xe so năm 2020. Tổng số xe đã kê khai và lập bộ quản lý, thu thuế toàn tỉnh trong năm 2021 là 1.897 xe chiếm 84,32% tổng số xe đang quản lý thuế. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tất cả các đơn vị đều có số lập bộ thu giảm mạnh so năm 2020. Tổng thuế phải thu toàn tỉnh đối với hoạt động KDVT năm 2021 là hơn 18,74 tỷ đồng (bằng 83,68% so với 2019 và bằng 76,13% so với năm 2020). Theo đánh giá của bà Trần Thị Diệu Hoàng - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, năm 2021 mặc dù không tăng trưởng so các năm trước nhưng cũng đạt được kết quả thu tương đối khá trong tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn và trực tiếp đến hoạt động KDVT cả nước nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng. Phân tích của cơ quan thuế cho thấy, mức thuế bình quân tháng trên đầu xe hầu hết ở các đơn vị trên địa bàn tỉnh đạt thấp so năm 2019 và 2020. Nguyên nhân giảm do bị ảnh hưởng bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 kéo dài làm cho tình hình KDVT gần như ngưng hoạt động ngay từ tháng 4/2021. Mặt khác, thực hiện Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý thuế hoạt động KDVT vẫn còn một số nguyên nhân khác tác động làm giảm số thu như: Các chủ phương tiện tìm mọi cách né tránh việc thực hiện nghĩa vụ thuế, vẫn còn tình trạng mua, bán xe không sang tên, nhiều chủ xe có hộ khẩu tại địa bàn tỉnh nhưng phương tiện đều mang biển số của các tỉnh, thành khác (chủ yếu là Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh). Đa số các chủ phương tiện ngày càng có xu hướng đăng ký kinh doanh ở các tỉnh lân cận để ít bị kiểm soát và số thuế phải nộp cũng thấp hơn ở địa phương…
Hiện nay, dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát, tuy nhiên ảnh hưởng của dịch bệnh nhiều hộ kinh doanh vẫn chưa khôi phục kinh doanh như ban đầu, nên số thuế phát sinh phải nộp thấp và ảnh hưởng khả năng thu lập bộ thuế năm 2022. Cục Thuế tỉnh đã đề ra một số giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế hoạt động KDVT. Trong đó, sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt các nội dung quy định tại Đề án quản lý thuế KDVT. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về thuế, thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ miễn, giảm, giãn thuế để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động KDVT vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh doanh… Đồng thời, tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các ngành cùng phối hợp kiểm tra, chống thất thu thuế đối với hoạt động KDVT trên địa bàn nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tuân thủ đúng chính sách pháp luật thuế.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/day-manh-quan-ly-thue-kinh-doanh-van-tai-96034.html