Đẩy mạnh sản xuất hàng hóa gắn với nâng cao chất lượng nông sản chủ lực

Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất, tỉnh ta đang hướng đến mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, thu hút các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ, tham gia vào chuỗi sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản chủ lực và thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết của người dân.

Người dân xã Việt Hồng (Bắc Quang) kiểm tra vườn cam Sành.

Người dân xã Việt Hồng (Bắc Quang) kiểm tra vườn cam Sành.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh xác định, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung vào 3 cây (chè, cam, dược liệu), 2 con (ong và gia súc). Để nâng cao giá trị cho các loại cây, con này, tỉnh đã ban hành nhiều phương án, kế hoạch dài hạn, tập trung nguồn lực đẩy mạnh sản xuất; áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (ATTP) như: VietGAP, hữu cơ, ISO trong chế biến. Theo đó, cây cam, chè đã áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GAP, thúc đẩy quá trình xây dựng thương hiệu cam Sành và chè Shan tuyết. Hiện, trên địa bàn tỉnh có trên 3.500 ha/4.400 ha cam Sành được chứng nhận VietGAP; hơn 9.300 ha/18.200 ha chè cho thu hoạch được chứng nhận GAP; trong đó, có trên 4.800 ha chè được chứng nhận VietGAP, trên 4.500 ha chè được chứng nhận hữu cơ.

Bên cạnh đó, tỉnh ta ký kết phối hợp nghiên cứu khoa học và phát triển các loài cây dược liệu; phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành tỉnh trồng cây dược liệu lớn nhất các tỉnh vùng Đông Bắc Bộ và có đủ khả năng cung cấp nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến dược liệu. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 287 nghìn con trâu, bò và trên 568 nghìn con lợn; chủ yếu giống bản địa là bò Vàng vùng cao và lợn đen Lũng Pù (Mèo Vạc)… Ngoài ra, nhiều công ty, hợp tác xã, cơ sở chế biến nông sản chú trọng bao bì, nhãn hiệu, đầu tư thiết bị, công nghệ đồng bộ, hiện đại; chế biến được các sản phẩm chất lượng tốt, đảm bảo ATTP, có chỗ đứng trên thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Hiện, có 16 công ty, hợp tác xã được cấp chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn HACCP và tiêu chuẩn ISO.

Công ty Cổ phần phát triển dược liệu Bông Sen Vàng tại huyện Bắc Quang đang triển khai Dự án “Chuỗi liên kết trồng – chế biến – thương mại các sản phẩm giá trị cao từ dược liệu và nông sản tại tỉnh Hà Giang”. Hiện Công ty đang xây dựng nhà máy chế biến dược phẩm có diện tích 1.200m2 . Công ty đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, vận hành sản xuất 16 loại trà dược, quy mô sản xuất đạt 10.000 túi lọc/ngày và đang tiếp tục đầu tư máy móc, thiết bị, làm thủ tục đăng ký GMP cho xưởng sản xuất trà dược. Theo lãnh đạo Công ty cho biết, Công ty đang triển khai các hoạt động liên kết với người dân để trồng cây dược liệu nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng đất trên một đơn vị diện tích canh tác, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng cường bảo vệ môi trường, thúc đẩy KT – XH địa phương và bảo tồn nguồn gen cây thuốc.

Thời gian qua, tỉnh ta chú trọng đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm chất lượng cao, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm, có kế hoạch chiến lược phát triển chuỗi giá trị cho một số sản phẩm chủ lực. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, phân tán do địa hình chia cắt, nhiều đồi núi, độ dốc cao; việc áp dụng cơ giới hóa nhiều hạn chế. Đặc biệt, nhận thức của người dân về ATTP chưa cao; việc sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật chưa được chú trọng, xử lý chất thải không đúng cách; sản xuất không theo quy hoạch, chưa gắn kết thành chuỗi sản xuất an toàn và hệ thống quản lý chất lượng…

Đồng chí Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, khẳng định: Để đẩy mạnh sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm chủ lực, tỉnh đang thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế trang trại và phát triển các mô hình liên kết. Theo đó, tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền quan điểm, mục tiêu phát triển sản phẩm nông nghiệp tập trung, nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về ATTP để nâng cao giá trị nông sản. Phát triển nông nghiệp, thủy sản và các ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn theo hướng kinh tế hàng hóa gắn với thị trường theo quy hoạch; đưa giống gia súc, gia cầm, thủy sản mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; ưu tiên phát triển các cây, con đặc sản, có lợi thế.

Tỉnh ta coi việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp là khâu “đột phá” để phát triển nhanh ngành nông nghiệp và kinh tế nông thôn; thực hiện tích tụ ruộng đất để hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; khuyến khích hình thức doanh nghiệp thuê đất của hộ dân với thời gian dài để đầu tư công nghệ cao vào sản xuất; đẩy mạnh cơ cấu tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp, gắn cơ sở chế biến, dịch vụ với vùng sản xuất để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – sơ chế - chế biến – tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, liên kết chuỗi, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào giống, kỹ thuật thâm canh, xử lý môi trường, tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

“Để phát triển nông nghiệp hàng hóa, tỉnh xác định lấy kinh tế trang trại làm “hạt nhân” để đẩy mạnh kinh tế hợp tác, trong đó ưu tiên phát triển hợp tác xã sản xuất, dịch vụ, tiêu thụ nông sản và hợp tác xã liên hoàn các khâu của quá trình sản xuất đến tiêu thụ nông sản hàng hóa. Tăng cường liên kết chuỗi giữa các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; giữa nông dân với các thành phần kinh tế; phát huy và nhân rộng liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm hàng hóa, tạo mối gắn kết giữa giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất hàng hóa giá trị kinh tế cao” – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Đức Vinh cho biết thêm.

Bài, ảnh: KIM TIẾN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/201907/day-manh-san-xuat-hang-hoa-gan-voi-nang-cao-chat-luong-nong-san-chu-luc-747037/