Đẩy mạnh sản xuất vụ thu đông

Nhằm bù đắp thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết trong vụ hè thu, ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tập trung các giải pháp để hỗ trợ người dân đẩy mạnh sản xuất vụ thu đông, trong đó ưu tiên sản xuất các loại cây trồng phù hợp để tiêu thụ thuận lợi, đồng thời tăng cường liên kết trong sản xuất.

 Cây ngô là một trong những cây trồng chủ lực trong vụ thu đông

Cây ngô là một trong những cây trồng chủ lực trong vụ thu đông

Tận dụng thời tiết thuận lợi, những ngày này người dân xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong đang tập trung gieo trồng các loại cây rau màu vụ thu đông như ngô, ném, kiệu và các loại rau ngắn ngày… Chủ tịch UBND xã Triệu Đông Võ Văn Bắc cho biết, những năm gần đây, qua thực tế sản xuất cho thấy phát triển các loại rau màu vụ thu đông đem lại giá trị kinh tế khá cao, đầu ra sản phẩm tương đối thuận lợi nên nhiều hộ dân trong xã đã tập trung đầu tư trồng rau màu với diện tích tương đối lớn. Vụ này xã tiếp tục có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí làm đất, đồng thời khuyến khích nông dân ưu tiên sản xuất theo hướng tạo ra sản phẩm sạch để nâng cao giá trị kinh tế. Chỉ đạo các HTX nông nghiệp đảm bảo tốt công tác chuẩn bị giống, vật tư phân bón phục vụ nhu cầu của xã viên.

Theo kế hoạch, vụ thu đông năm nay huyện Triệu Phong dự kiến đưa vào sản xuất 150 ha, bao gồm ngô và cây rau màu các loại ở các chân ruộng cao, chủ động được nước. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong Hoàng Quang Dưỡng cho biết, để đảm bảo sản xuất vụ thu đông thắng lợi, ngay sau khi hoàn thành thu hoạch vụ hè thu, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai đầy đủ kế hoạch sản xuất vụ thu đông. Theo đó, các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình để xây dựng kế hoạch chi tiết, quy hoạch vùng trồng tập trung, lựa chọn cơ cấu các loại cây trồng, bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng; khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp kĩ thuật vào sản xuất, đưa các loại cây trồng cho giá trị cao, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng. Tăng cường công tác kiểm tra để phát hiện sớm, chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc, bảo vệ, phòng trừ sâu bệnh cho diện tích cây đã trồng ngay từ đầu vụ, tạo điều kiện cho cây trồng phát triển tốt.

Tại huyện Vĩnh Linh, trao đổi với chúng tôi, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh Diệp Hồng Cương cho biết, nhằm bù đắp thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn trong vụ hè thu, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã chủ động xây dựng phương án sản xuất vụ thu đông, quy định cụ thể về lịch thời vụ và bộ giống đối với một số cây trồng chủ lực; đồng thời tham mưu UBND huyện có chính sách hỗ trợ về giống và phân bón nhằm giúp người dân ổn định sản xuất. Chỉ đạo các địa phương trong huyện đẩy mạnh sản xuất ở những vùng quy hoạch, vùng sản xuất tập trung, ưu tiên sản xuất theo hướng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Về phía các HTX cần làm tốt công tác cung ứng giống, vật tư để sản xuất kịp thời vụ nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra; đồng thời chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong việc đầu tư sản xuất và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm nhằm tạo thị trường tiêu thụ ổn định.

Vụ hè thu năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn đầu vụ đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển của hơn 10.000 ha cây trồng các loại, trong đó có trên 7.600 ha lúa và 1.743 ha diện tích cây trồng cạn bị thiệt hại từ 30 - 70% năng suất. Đặc biệt, cuối vụ hè thu do ảnh hưởng của cơn bão số 4 gây mưa lớn trên diện rộng đã làm đổ ngã và ngập úng gần 2.354 ha lúa đang chuẩn bị thu hoạch, trong đó có khoảng 1.461 ha bị nảy mầm trên ruộng. Ngoài ra, dịch tả lợn Châu Phi và dịch lở mồm long móng đã phát sinh gây hại trên diện rộng, làm thiệt hại và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Để hỗ trợ nông dân tổ chức sản xuất, bù đắp thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết và dịch tả lợn Châu Phi đang xảy ra trên địa bàn tỉnh, ngành Nông nghiệp đã xây dựng phương án sản xuất vụ thu đông trên các chân đất cao, không bị ngập úng với tổng diện tích 1.405 ha, trong đó cây khoai lang diện tích 106,5 ha, cây ngô diện tích 472,9 ha, rau đậu các loại diện tích 813,66 ha...

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV Nguyễn Hữu Tâm, trong các năm qua, sản xuất vụ thu đông trên địa bàn tỉnh mặc dù có diện tích không lớn và chưa trở thành truyền thống nhưng cũng đã xuất hiện một số mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng ném và mướp đắng ở xã Hải Dương, huyện Hải Lăng với quy mô 30 ha, cho lợi nhuận từ 180 - 200 triệu đồng/ha; mô hình trồng ngô nếp tại thôn Quật Xá, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ với quy mô 10 - 15 ha/vụ, sau khi trừ chi phí cho thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/ha; mô hình trồng rau ngắn ngày ở phường Đông Thanh, TP. Đông Hà và thôn Nại Cửu, xã Triệu Đông huyện Triệu Phong theo hướng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cho lợi nhuận từ 200 - 300 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất vụ thu đông cũng gặp rất nhiều khó khăn như ảnh hưởng của mưa bão, rét đậm, rét hại; sản xuất chủ yếu tự phát với diện tích manh mún, nhỏ lẻ; việc áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất còn hạn chế nên năng suất, chất lượng và sản lượng thấp, chưa trở thành hàng hóa; đặc biệt chưa hình thành được các cánh đồng lớn để tổ chức sản xuất theo các hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, nên việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn.

Ông Tâm lưu ý, để đảm bảo sản xuất vụ thu đông thắng lợi, các địa phương cần khẩn trương rà soát và điều chỉnh linh hoạt diện tích sản xuất theo diễn biến thực tế của thời tiết, khí hậu và lũ lụt cho từng tiểu vùng trên địa bàn. Lựa chọn các chân đất cao, ít bị ngập lụt để sản xuất; làm đất phải lên luống cao để giúp thoát nước nhanh khi mưa lũ xảy ra; thường xuyên kiểm tra hệ thống thủy lợi, cải tạo, nâng cấp thủy lợi nội đồng để chủ động tiêu nước trong mùa mưa lũ. Tập trung sản xuất 3 đối tượng cây trồng chính là ngô, khoai lang và rau đậu các loại; diện tích sản xuất cần có quy mô liền vùng, tập trung theo hướng hàng hóa, tối thiểu 5 ha đối với ngô, khoai lang; 1 - 2 ha đối với rau đậu các loại để thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ. Áp dụng các giải pháp đồng bộ về thời vụ, tranh thủ thời tiết khi có mưa, đất đủ ẩm cần tiến hành gieo trồng ngay. Đẩy mạnh sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới tiết kiệm. Bên cạnh đó, cần thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện và phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại, đặc biệt là sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô, do đây là đối tượng sinh vật gây hại mới, lây lan nhanh và có sức tàn phá mạnh trên cây ngô và khả năng lây nhiễm sang nhiều loại cây trồng khác.

Cũng theo ông Tâm, để giúp nông dân yên tâm sản xuất, ngành Nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ 70% giống đối với các huyện miền núi, 50% giống đối với các huyện đồng bằng. Bên cạnh đó, đã kết nối với Công ty cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị để liên kết tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, công ty sẽ tiến hành kí kết hợp đồng với các địa phương với 2 đối tượng cây trồng chính trong vụ thu đông là cây ngô lai hạt đỏ và cây khoai lang giống HNV 01. Điều kiện để liên kết là sản xuất phải tập trung, liền vùng, diện tích tối thiểu 5 ha. Về giá thu mua, đối với cây ngô lai hạt đỏ công ty sẽ thu mua theo giá thị trường tại thời điểm thu hoạch, giá bảo hiểm sẽ là 5.000 đồng/ kg hạt khô; đối với cây khoai lang hợp đồng liên kết thu mua là giống HNV 01, đây là giống khoai lang mới, năng suất bình quân 20 tấn/ha, thâm canh cao có thể đạt 25 - 30 tấn/ha, thời gian sinh trưởng khoảng 4 tháng; giá thu mua tươi tại ruộng là 2.300 đồng/kg. “Đây cũng là hướng phát triển sản xuất nhằm bù đắp thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai trong vụ hè thu và dịch tả lợn Châu Phi gây ra. Đồng thời từng bước đưa vụ thu đông trở thành một trong những vụ sản xuất chính trong năm”, ông Tâm khẳng định.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=142699