Đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp

Năm 2024, tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đạt 3,8%; 2 vụ lúa được mùa toàn diện. Hành trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp ngày càng rõ nét, bền vững.

Nông nghiệp được mùa toàn diện

Hà Tĩnh triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2024 trong điều kiện gặp nhiều khó khăn: thời tiết, dịch bệnh diễn biến khó lường, việc phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn còn hạn chế, quá trình xây dựng NTM cần nguồn lực lớn.

Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ: “Trong bối cảnh khó khăn, ngành nông nghiệp đã chủ động tham mưu, chỉ đạo, quyết liệt triển khai các giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển; đẩy mạnh chuyển đổi số; kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp an toàn, hữu cơ gắn với thực hiện các nội dung, tiêu chí chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM”.

 Năng suất lúa bình quân năm 2024 đạt 57,14 tạ/ha, trong đó vụ xuân ghi nhận mức cao nhất từ trước tới nay.

Năng suất lúa bình quân năm 2024 đạt 57,14 tạ/ha, trong đó vụ xuân ghi nhận mức cao nhất từ trước tới nay.

Trên cơ sở các đề án, kế hoạch, nông dân các địa phương phấn khởi, tích cực bám đồng sản xuất, đem lại những mùa vàng bội thu. Sản xuất lúa cả năm được mùa toàn diện với tổng sản lượng lương thực ước đạt trên 66 vạn tấn, tăng hơn 3% so với năm 2023 (tăng 2,6 vạn tấn). Năng suất lúa bình quân đạt 57,14 tạ/ha, trong đó vụ xuân ghi nhận mức cao nhất từ trước tới nay, hơn 61 tạ/ha; vụ hè thu đạt gần 52 tạ/ha, tăng 4,87% so với kế hoạch. Các chỉ tiêu về cây trồng cạn, rau màu, cây ăn quả cơ bản đạt và vượt kế hoạch sản xuất.

Chăn nuôi tiếp tục là lĩnh vực đóng vai trò “đầu kéo” cho ngành nông nghiệp, chiếm trên 53% cơ cấu giá trị sản xuất. Tổng đàn lợn duy trì khoảng 405.000 con, tăng 2,1% so với năm 2023; đàn trâu, bò hơn 230.000 con; đàn hươu khoảng 49.000 con; gia cầm hơn 10 triệu con, tăng 2,9%.

 Đến nay, tổng diện tích tập trung, tích tụ toàn tỉnh đạt hơn 10.120 ha.

Đến nay, tổng diện tích tập trung, tích tụ toàn tỉnh đạt hơn 10.120 ha.

Năm 2024 tiếp tục khẳng định quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả tích cực. Nghị quyết số 06-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về “thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo” (Nghị quyết 06) kết hợp chuyển đổi ruộng đất được triển khai trên toàn tỉnh. Đến nay, tổng diện tích tập trung, tích tụ toàn tỉnh đạt hơn 10.120 ha. Sau khi tập trung, tích tụ, các địa phương đã hình thành nhiều cánh đồng lớn, tối ưu cơ giới hóa, hiện đại hóa trong sản xuất. Những thay đổi vượt bậc trên các cánh đồng đã giúp bà con nông dân, HTX, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất nông nghiệp bền vững hơn.

Ông Dương Thế Hoàng - Giám đốc Công ty CP Hòa Lạc IEC (Thạch Hà) cho biết: “Công ty đang tập trung liên kết với bà con nông dân sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ gần 100 ha tại 2 huyện Cẩm Xuyên, Can Lộc. Các vùng sản xuất hữu cơ đều là những cánh đồng đã thực hiện chuyển đổi, tích tụ, với diện tích bình quân 5-10 ha/xứ đồng. Thời gian tới, công ty dự kiến sẽ phát triển bền vững sản xuất lúa theo 2 hướng là canh tác lúa giảm phát thải trên 70% diện tích liên kết và theo tiêu chuẩn hữu cơ 30% diện tích liên kết”.

 Nghi Xuân hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm phát triển nông nghiệp sạch.

Nghi Xuân hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm phát triển nông nghiệp sạch.

Trong chăn nuôi, các giải pháp sản xuất theo hướng an toàn sinh học được chú trọng. Nhiều mô hình theo tiêu chuẩn VietGAHP, hữu cơ, tuần hoàn, liên kết theo chuỗi giá trị tiếp tục được nhân rộng. Đến nay, toàn tỉnh có 20 mô hình nuôi lợn theo hướng hữu cơ liên kết với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm, 6 cơ sở được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh và 13 cơ sở được chứng nhận VietGAHP còn hiệu lực; 157 cơ sở chăn nuôi lợn liên kết với doanh nghiệp (138 cơ sở lợn thịt, 19 cơ sở lợn nái), chiếm 46% tổng đàn lợn.

Toàn tỉnh có 1.300 ha/141 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP còn hiệu lực; 17 cơ sở sản xuất trồng trọt được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ với diện tích 93,52 ha. Có thêm 4.022 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), đưa tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC lên 34.524 ha.

 Toàn tỉnh có 1.300 ha/141 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP còn hiệu lực

Toàn tỉnh có 1.300 ha/141 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP còn hiệu lực

Chuyển tư duy sang kinh tế nông nghiệp

Sau khi xây dựng thương hiệu gạo rươi Đức Thọ Thuần Nông đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, vụ xuân 2025, HTX Nông nghiệp hữu cơ Thuần Nông HT (Đức Thọ) mở rộng diện tích gieo cấy từ 7 ha lên 30 ha; đầu tư thêm các loại máy sấy, máy xay xát phục vụ sản xuất và đáp ứng nhu cầu của nông dân. Anh Phạm Hải Thăng - Giám đốc HTX cho biết: “HTX kiên trì thực hiện phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn để cho ra sản phẩm gạo sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng nên bước đầu đã được thị trường đón nhận. Cùng với sản xuất lúa gạo, các thành viên của HTX cũng tập trung phục hồi nguồn rươi đã bị cạn kiệt do khai thác quá mức trong thời gian qua”.

 TP Hà Tĩnh tiếp tục có những bứt phá mới trong sản xuất nông nghiệp.

TP Hà Tĩnh tiếp tục có những bứt phá mới trong sản xuất nông nghiệp.

Với việc lấy khoa học công nghệ để điều hành, nhiều địa phương như: Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Can Lộc, TP Hà Tĩnh... đang có những bứt phá mới trong sản xuất nông nghiệp. Các địa phương tiếp tục chú trọng ứng dụng máy cấy, thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật trên các vùng tập trung, tích tụ ruộng đất; phát triển chuỗi liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ trên các cây trồng chủ lực; xây dựng các mô hình giảm phát thải; sản xuất rau, củ, quả trong nhà màng. Đồng thời, chú trọng liên kết với doanh nghiệp để vừa phát triển mô hình sản xuất, vừa xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Các mô hình sản xuất này đang từng bước giúp nông dân thay đổi nhận thức về sản xuất theo hướng hàng hóa, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng một đơn vị diện tích, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính; trở thành “lực đẩy” thu hút doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ đầu vào và thu mua sản phẩm nhằm tạo ra mối liên kết bền vững.

 Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đi kiểm tra một số dự án, mô hình ứng dụng KH&CN trong sản xuất trên địa bàn.

Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đi kiểm tra một số dự án, mô hình ứng dụng KH&CN trong sản xuất trên địa bàn.

Ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Năm 2025, Cẩm Xuyên là địa phương đầu tiên của tỉnh thí điểm xây dựng các mô hình sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính dựa trên tín chỉ carbon tại các xã: Cẩm Thành, Cẩm Duệ, Cẩm Quang, Nam Phúc Thăng. Cùng với đó, huyện tiếp tục xây dựng mô hình lúa - cá hữu cơ; nhân rộng mô hình trồng dứa liên kết với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; phát triển mô hình nuôi trai lấy ngọc; phấn đấu đạt mục tiêu 300 ha lúa hữu cơ và xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Cẩm Xuyên để cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh”.

Từ những kết quả đạt được, năm 2025, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP nông - lâm - thủy sản đạt khoảng 2,5%/năm.

Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, ngành tiếp tục tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh, phát triển nông nghiệp hữu cơ, an toàn, sinh thái, hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị. Tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; chỉ đạo thực hiện kế hoạch, đề án sản xuất với cơ cấu giống, mùa vụ phù hợp; nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, hiệu quả kinh tế và đảm bảo môi trường bền vững gắn với đẩy mạnh thực hiện các nội dung, tiêu chí liên quan trong xây dựng NTM. Trong đó, chú trọng nâng cao vị thế, năng lực của người nông dân với vai trò là chủ thể, là trung tâm trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.

Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở NN&PTNT

Thái Oanh

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/day-manh-tai-co-cau-gan-voi-tang-truong-ben-vung-nganh-nong-nghiep-post280207.html