Đẩy mạnh thanh toán không tiếp xúc trong ngành bán lẻ
Đại dịch Covid -19 và quá trình chuyển đổi kinh tế số đã khiến cho việc sử dụng ví điện tử, thanh toán không tiếp xúc qua thẻ, điện thoại thông minh, thanh toán bằng mã QR Code gia tăng mạnh mẽ. Với nhiều ưu điểm, như: tiện dụng, có tính bảo mật cao, giúp người mua, người bán tiết kiệm thời gian, chi phí cho việc đi rút tiền, kiểm đếm tiền, góp phần bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid -19, xu hướng thanh toán không tiếp xúc đang trở nên phổ biến tại các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê...
Đại dịch Covid -19 và quá trình chuyển đổi kinh tế số đã khiến cho việc sử dụng ví điện tử, thanh toán không tiếp xúc qua thẻ, điện thoại thông minh, thanh toán bằng mã QR Code gia tăng mạnh mẽ. Với nhiều ưu điểm, như: tiện dụng, có tính bảo mật cao, giúp người mua, người bán tiết kiệm thời gian, chi phí cho việc đi rút tiền, kiểm đếm tiền, góp phần bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid -19, xu hướng thanh toán không tiếp xúc đang trở nên phổ biến tại các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê...
Là một trong những thương hiệu thời trang nổi tiếng, có hệ thống cửa hàng tại hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước, Công ty cổ phần Amado Việt Nam đặt mục tiêu, tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại các cửa hàng đạt xấp xỉ 30% trong năm 2022.
Theo ông Phạm Ngọc Dương, Giám đốc Công ty cổ phần Amado Việt Nam, trong vài năm gần đây, nhất là từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó phổ biến là chuyển khoản và quét mã QR Code tại các cửa hàng của Amado nói chung và Amado Hà Nam nói riêng tăng mạnh. Nếu như vài năm trước, hình thức thanh toán không tiếp xúc chỉ đạt xấp xỉ 10% tổng hóa đơn, thì năm 2021 tỷ lệ này đã được nâng lên trên 20%. Có thời điểm, Amado Hà Nam ghi nhận số lượng giao dịch không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ 30%.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 vẫn còn diễn biến phức tạp, hình thức thanh toán thông qua việc chuyển khoản hay quét mã QR trên điện thoại thông minh được Amado khuyến khích khách hàng sử sụng nhằm hạn chế sự tiếp xúc giữa nhân viên và khách hàng, bảo đảm an toàn cho công tác phòng, chống dịch.
Các hình thức thanh toán không tiếp xúc phổ biến trong ngành bán lẻ hiện nay là chuyển khoản, quẹt thẻ ngân hàng, quét mã QR Code, sử dụng các loại ví điện tử như Momo, Moca, Shoppe Pay, Viettel Pay… Trong số đó, chuyển khoản được ghi nhận là phương thức thanh toán phổ biến nhất tại các cửa hàng bán lẻ do người dùng dễ dàng sử dụng.
Chị Trần Ngọc Hiền, Phường Hai Bà Trưng (TP Phủ Lý) cho biết: Trước đây, mỗi khi có lương, tôi thường cân đối chi tiêu để rút đủ tiền sinh hoạt trong tháng. Theo đó, trong hầu hết các hoạt động mua sắm, tôi đều sử dụng tiền mặt để thanh toán. Thế nhưng, trong thời gian dịch Covid -19 bùng phát, tôi mua hàng trực tuyến nhiều hơn và bắt đầu làm quen với hình thức chuyển khoản qua điện thoại. Tôi cũng hạn chế việc đi rút tiền để tránh lây nhiễm bệnh tại các điểm rút tiền tập trung đông người. Bây giờ, mỗi khi đi mua sắm, từ việc đi mua thuốc, hàng tạp hóa, đồ thời trang hay ăn uống ngoài nhà hàng, tôi đều thanh toán bằng việc quẹt thẻ, quét mã QR Code, hoặc chuyển khoản và thấy vô cùng thuận tiện. Gần đây, tôi còn tìm hiểu và sử dụng ví điện tử Momo, Shoppe Pay để mua sắm online. So với các hình thức thanh toán khác, ví điện tử có nhiều ưu đãi hơn khi thường xuyên được tích điểm để đổi lấy quà tặng, được giao hàng miễn phí hay các ưu đãi giảm giá khác.
Chuyển đổi số hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này sẽ giúp tạo ra “tác động kép”, vừa góp phần phục hồi, tăng trưởng kinh tế, vừa hỗ trợ thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, đặt mục tiêu đưa thanh toán không dùng tiền mặt trở thành thói quen của người dân. Tại Hà Nam, hình thức thanh toán này đang được người dân đẩy mạnh sử dụng. Hiện, không chỉ có các siêu thị, trung tâm thương mại, nhãn hàng hay thương hiệu lớn có ứng dụng quét mã QR Code hay quẹt thẻ thanh toán, mà nhiều đại lý, cửa hàng tự chọn cũng đã chủ động triển khai các ứng dụng này. Qua đó, tâm lý và thói quen của người tiêu dùng từng bước có sự chuyển biến rõ rệt trong việc hạn chế sử dụng tiền mặt khi mua sắm.
Chị Đỗ Lan Hương, chủ cửa hàng tự chọn Hưng Hương (Đường Lê Công Thanh, TP Phủ Lý) cho biết: Từ đầu năm 2021, khi dịch Covid -19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, để bảo đảm an toàn phòng dịch trong quá trình mua bán, thanh toán, cửa hàng đã tạo mã VietQR - dịch vụ chuyển tiền nhanh Napas 247 bằng mã QR để nhận tiền thanh toán từ khách hàng. Đồng thời, yêu cầu khách hàng bảo đảm khoảng cách an toàn trong quá trình chọn hàng và chờ thanh toán. Tỷ lệ khách hàng thanh toán bằng chuyển khoản và quét mã QR ngày càng tăng, nhất là trong những tháng cuối năm và đợt cao điểm mua sắm hàng hóa phục vụ Tết. Tính riêng trong 2 tháng trở lại đây, tỷ lệ khách hàng thanh toán không tiếp xúc đạt xấp xỉ 35%.
Tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh cũng là điều kiện cho phép các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình số hóa trong ngành bán lẻ, tăng những lợi ích tối đa cũng như trải nghiệm tiêu dùng mới cho khách hàng. Hình thức thanh toán này mang lại tiện ích cho cả người mua lẫn người bán, bảo đảm các vấn đề về an ninh, an toàn. Sau khi mua hàng, khách hàng còn có thể chủ động chuyển khoản hay quét mã QR code được dán trên quầy thanh toán, rút ngắn nhiều thời gian chờ đợi.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam cho biết: Người tiêu dùng ngày càng có nhiều thiện cảm đối với thanh toán không tiền mặt và đang cố gắng chuyển đổi các giao dịch sang hình thức thanh toán không tiền mặt. Bởi các phương thức thanh toán không tiền mặt nhanh, tiện lợi hơn và quan trọng nhất là hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Thời gian qua, các ngân hàng thương mại cũng đã tận dụng cú hích Covid-19 để đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái không dùng tiền mặt. Trong năm 2021, số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử trên địa bàn tỉnh tăng mạnh với doanh số thanh toán không dùng tiền mặt đạt trên 249.100 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2021, số đơn vị mở tài khoản thanh toán trong tỉnh là 765.512 đơn vị, tăng trên 126.000 đơn vị so với đầu năm 2021.
Thanh toán không dùng tiền mặt chính là một trong số những nội dung quan trọng của quá trình chuyển đổi số quốc gia. Nếu thực hiện tốt điều này sẽ tạo tiền đề giúp cho ngành ngân hàng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ người dân sử dụng tiền mặt trong các giao dịch vẫn chiếm tỷ lệ cao, đòi hỏi hệ thống các ngân hàng phải liên tục đổi mới, cung cấp thêm nhiều ứng dụng để tạo thuận lợi tối đa cho người tiêu dùng.