Đẩy mạnh thu hút đầu tư chế biến
Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, HTX đầu tư vào khâu bảo quản, chế biến nhưng vẫn còn nhiều 'điểm nghẽn' khiến nhà đầu tư chưa dễ tiếp cận các gói hỗ trợ.
Với mục tiêu nâng cao giá trị cho nông sản và phát triển ngành nông nghiệp bền vững, Đồng Nai đang triển khai nhiều đề án, chương trình thu hút đầu tư phát triển khâu chế biến, bảo quản. Trong đó, tỉnh đang triển khai thực hiện 2 cụm công nghiệp điểm trong lĩnh vực chế biến nông sản là Cụm công nghiệp Phú Túc (H.Định Quán) và Cụm công nghiệp Long Giao (H.Cẩm Mỹ).
* Còn nhiều “điểm nghẽn”
Sự hỗ trợ của Nhà nước để phát triển ngành chế biến nông sản, thực phẩm được thể hiện ở nhiều góc độ như: tạo ra môi trường hoạt động tốt, giảm thuế, phí... Các chính sách ưu đãi này được thể hiện khá đầy đủ trong những nghị định, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhưng thực tế vẫn có nhiều “điểm nghẽn” trong triển khai chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư khiến doanh nghiệp, HTX chưa dễ tiếp cận.
Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (xã Thanh Bình, H.Trảng Bom) cho biết, hiện HTX đã liên kết, bao tiêu cho khoảng 170ha chuối già Nam Mỹ của nông dân tại địa phương. HTX đã đầu tư được nhà sơ chế, chế biến quy mô 500m2 cùng hệ thống dây chuyền thu hoạch chuối, máy chế biến nông sản khô, máy chế biến dẻo. Các loại nông sản chế biến chủ lực của HTX gồm chuối, xoài, mít... với sản lượng 1,2 tấn thành phẩm/tháng. Hiện HTX cần vay vốn ưu đãi dài hạn từ 8-9 tỷ đồng đầu tư nhà đóng gói, hệ thống cấp đông, dây chuyền chế biến rác thải hữu cơ thành nguồn phân hữu cơ, kho bảo quản xử lý sau thu hoạch, nhất là kho ủ chuối thương phẩm...
Đầu năm 2021, HTX đã có đơn hàng xuất khẩu chuối tươi vào thị trường châu Âu. Cơ hội xuất khẩu trái cây tươi, nhất là các loại trái cây qua sơ chế, chế biến vào châu Âu còn rất lớn nhưng chỉ vì chưa đầu tư được dây chuyền sơ chế, đông lạnh trái chuối xuất khẩu mà HTX để vuột khỏi tay những đơn hàng lớn vào thị trường này vì chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi dài hạn. “Mong các ngân hàng nên xem xét dự án nào khả thi cần có sự linh hoạt hơn về thủ tục cho vay, giải quyết ngay nguồn vốn cho HTX kịp thời nắm bắt được thời cơ để phát triển” - ông Hùng nói.
Khó khăn của các nhà đầu tư quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến trên địa bàn Đồng Nai còn ở việc khó tiếp cận các chính sách ưu đãi khi đầu tư dự án cánh đồng mẫu lớn; thiếu quỹ đất sạch xây dựng nhà máy chế biến, khó tiếp cận các chính sách ưu đãi để mua máy móc, thiết bị chế biến...Ông Đặng Trường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, H.Định Quán) chia sẻ, doanh nghiệp đang thử nghiệm công nghệ sấy vibar là công nghệ mới giúp giảm thời gian sấy hạt ca cao từ 10 ngày xuống còn 1 ngày nhằm giảm chi phí sản xuất. Dự kiến của doanh nghiệp là đầu tư nhà máy sản xuất chocolate tự động hóa, đáp ứng được tất cả các yêu cầu về an toàn thực phẩm của Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Khó khăn của doanh nghiệp là hầu như chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ từ nguồn vốn vay ưu đãi dài hạn đến các chính sách ưu đã cho cánh đồng lớn.
* Làm cụm công nghiệp thí điểm
Cụm công nghiệp Phú Túc và Cụm công nghiệp Long Giao được chọn đầu tư trên cơ sở khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông sản tại các địa phương đều mong muốn có những khu chuyên cho ngành sơ chế, chế biến trái cây, nông sản. Đặc biệt, các vùng nguyên liệu nông sản lớn, nhất là các vùng chuyên canh cây ăn trái cần có cụm công nghiệp chuyên sâu về chế biến.
Nói về tiến độ triển khai Cụm công nghiệp Long Giao, Chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Huỳnh Tấn Thìn cho biết, giai đoạn 1, Cụm công nghiệp Long Giao có diện tích hơn 57ha. Hiện tuyến đường kết nối từ hương lộ 10 vào cụm công nghiệp này đang được thi công. Địa phương đã thống nhất phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng và đang trong giai đoạn hoàn tất hồ sơ, thủ tục bồi thường để có đất sạch giao cho nhà đầu tư. Huyện cũng tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ khác về đầu tư đường, điện, nguồn nước sản xuất phục vụ cho cụm công nghiệp.
Cụm công nghiệp Phú Túc được quy hoạch với diện tích hơn 48ha hiện đã cơ bản hoàn thành đầu tư các đường giao thông kết nối cũng như hệ thống điện phục vụ sản xuất. Dự kiến khi đi vào hoạt động, cụm công nghiệp này sẽ dành 60% quỹ đất công nghiệp để ưu tiên bố trí ngành nghề liên quan đến chế biến nông sản, thực phẩm; 40% diện tích còn lại sẽ bố trí cho việc xây dựng kho bãi, kho đông lạnh dùng để chứa và bảo quản nguyên liệu trước và sau khi chế biến, một số ngành công nghiệp có lợi thế ở địa phương cũng như tiêu thụ nông sản cho các địa phương lân cận như: Thống Nhất, Tân Phú, Xuân Lộc…
Theo Chủ tịch UBND H.Định Quán Trần Quang Tú, huyện đang trong giai đoạn thực hiện giải phóng mặt bằng. Song song đó, huyện đang kêu gọi các nhà đầu tư để khi có quỹ đất sạch sẽ triển khai ngay dự án trên tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông sản.