Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản
Tỉnh ta có 198 sản phẩm nông nghiệp, trong đó có 19 sản phẩm nông nghiệp chủ lực thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.
Chế biến dứa xuất khẩu tại Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành, xã Trung Thành (Nông Cống).
Tuy đa dạng về chủng loại song nhiều loại nông sản của tỉnh chủ yếu xuất bán ở dạng sản phẩm thô, giá trị kinh tế không cao. Do đó, đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông – lâm - thủy sản chính là một trong những giải pháp nhằm nâng cao giá trị kinh tế, xây dựng và hướng đến phát triển nông nghiệp theo chiều sâu.
Để hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa tập trung. Trong đó, tập trung vào một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, lợi thế của địa phương. Đồng thời, ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, hỗ trợ liên kết tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vì thiếu sự chủ động từ phía người dân nên đến thời điểm hiện tại, sản xuất nông nghiệp tỉnh ta còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa đồng đều giữa các vùng, miền. Số lượng doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 755 đơn vị, song chủ yếu là DN cung cấp vật tư nông nghiệp, số lượng DN chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều. Hằng năm, tổng sản lượng cây lương thực có hạt đạt khoảng 1,6 triệu tấn, cây ăn quả hơn 223.000 tấn, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt hơn 230.000 tấn thịt và hơn 170.000 tấn thủy sản... Song, các mặt hàng công nghiệp chế biến chỉ mới tập trung vào một số lĩnh vực, ngành hàng truyền thống, như: Sản phẩm từ tre, luồng; thủy, hải sản đông lạnh; thịt súc sản. Tiềm năng và lợi thế để phát triển công nghiệp chế biến nông – lâm - thủy sản trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành chuyên môn và các địa phương phân tích, chứng minh. Điển hình như, vùng nguyên liệu cho chế biến tre, luồng rất tiềm năng với hơn 70.000 ha rừng luồng, chủ yếu tập trung ở các huyện Bá Thước, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Quan Hóa, Quan Sơn. Tuy nhiên, cả tỉnh mới chỉ có 188 cơ sở thu mua và chế biến luồng, nhưng tỷ lệ sử dụng sinh khối của cây luồng chỉ đạt khoảng 30%. Phần còn lại của sinh khối cây luồng bị coi là phụ phẩm và dùng để sản xuất bột giấy và than với giá trị kinh tế thấp. Việc chưa có những nhà máy đầu tư chế biến tre luồng theo chiều sâu đã làm lãng phí, hao hụt giá trị kinh tế của loại cây trồng chủ lực này.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 235 DN, HTX đầu tư vào công nghiệp chế biến, kinh doanh gỗ và lâm sản; 29 DN chế biến kinh doanh nông sản, thực phẩm, muối; 80 DN chế biến, kinh doanh thủy, hải sản... Tuy nhiên, các DN đầu tư chế biến và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đa phần dừng ở quy mô vừa và nhỏ, công nghệ chế biến sâu còn ít và chưa khai thác hết tiềm năng vùng nguyên liệu. Thời gian gần đây, có một số đơn vị đầu tư chế biến có quy mô lớn được đầu tư trên địa bàn tỉnh, điển hình như Công ty CP Thực phẩm VietAvis, xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa). Đây là Dự án Nhà máy giết mổ - chế biến gia cầm xuất khẩu triển khai trên diện tích gần 6 ha với hệ thống thiết bị, công nghệ tự động tiên tiến. Theo thiết kế, công suất giết mổ giai đoạn 1 đạt 2.500 con/giờ gắn với chuỗi liên kết chăn nuôi gà công nghệ cao 4A, sản phẩm cung cấp cho các nước và vùng lãnh thổ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Công, Đài Loan, xinh-ga-po và khu vực châu Âu cũng như thị trường nội địa. Dự án được triển khai xây dựng là tín hiệu vui cho người chăn nuôi trong tỉnh và hướng tới hình thành một ngành chăn nuôi hiện đại, chất lượng cao gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh hiệu quả trực tiếp, tác động đến nâng cao chất lượng, giá trị của nông sản, thông qua hệ thống các DN đầu tư vào công nghiệp chế biến, tư duy sản xuất của người dân cũng thay đổi, hướng tới sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và gắn với chuỗi giá trị. Từ đó, tỉnh ta đặt mục tiêu năm 2019, giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp đạt 173,75 triệu USD. Trong đó, nông sản đạt 13,75 triệu USD, thủy sản đạt 106 triệu USD, lâm sản 54 triệu USD.
Bà Hoàng Thị Yến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá: Việc thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến nông – lâm - thủy sản chính là một trong những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng khủng hoảng thừa sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, là đòn bẩy để thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong việc chủ động hướng tới nông nghiệp tập trung, sản xuất sản phẩm bảo đảm quy chuẩn chất lượng phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Song để đạt được kết quả khả quan trong thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản là điều không dễ. Để hỗ trợ, thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nói chung và đầu tư vào công nghiệp chế biến nói riêng, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện tích tụ ruộng đất và hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao; rà soát bổ sung, điều chỉnh vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng từng vùng để bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp; có cơ chế, chính sách thu hút DN chế biến nông sản, DN bao tiêu nông sản cho nông dân vào đầu tư.
Tại hội nghị thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản được tổ chức ngày 26-12-2018, đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã khẳng định vai trò quan trọng của công nghiệp chế biến và xác định là khâu quan trọng nhất để nâng cao giá trị kinh tế của sản xuất nông - lâm - thủy sản, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Trong thời gian tới, các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương cần rà soát, định hướng phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy trên địa bàn một cách phù hợp. Bên cạnh đó, xây dựng những cơ chế khuyến khích, chính sách ưu đãi riêng cho các DN chế biến ở lĩnh vực có đầu vào còn nhiều tiềm năng như nông sản, lâm sản để tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm. Tạo điều kiện thuận lợi nhất về mặt bằng, tiếp cận vốn để các DN đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm nông - lâm - thủy sản. Các DN cũng cần chủ động hơn về tài chính, công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân, giúp họ yên tâm gắn bó, xây dựng và phát triển nguồn nguyên liệu bền vững cho sản xuất.