Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp
Thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp đã và đang góp phần hình thành, phát triển được những vùng liên kết sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn; đồng thời giải quyết được vấn đề thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, từ đó nâng cao giá trị sản xuất và tính bền vững trong phát triển nông nghiệp. Do đó, ngành nông nghiệp đã và đang cùng chính quyền các địa phương tiếp tục đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Diện tích chuối tiêu hồng tại xã Vĩnh Quang (Vĩnh Lộc) được liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.
Để đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính khi tham gia đầu tư liên kết sản xuất nông nghiệp; tích cực thực hiện tích tụ, tập trung đất đai theo nhiều hình thức để thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội xúc tiến thương mại nông sản; tham gia các hội chợ do các bộ, ngành Trung ương, các địa phương và các tổ chức nước ngoài tổ chức; tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu và giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn. Thông qua các hoạt động này, tạo cơ hội để các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác,... gặp gỡ, trao đổi, ký kết hợp đồng hợp tác; đồng thời, quảng bá, giới thiệu đến đông đảo khách hàng các sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh. Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trồng trọt cho doanh nghiệp, HTX liên kết với hộ gia đình, cá nhân để sản xuất và bao tiêu sản phẩm các cây trồng, như: Hỗ trợ từ 2 đến 5 triệu đồng/ha/năm đối với diện tích liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cây khoai tây, ngô ngọt, ngô bao tử, dưa bao tử, dưa xuất khẩu, ớt xuất khẩu, cà chua, hành, tỏi, rau màu, ngô và cỏ các loại làm thức ăn chăn nuôi bò sữa, bò thịt trên đất hai lúa và lúa màu. Hỗ trợ tổ chức, cá nhân làm đầu mối bảo quản, sơ chế, tiêu thụ, với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha canh tác/năm cho HTX, doanh nghiệp sơ chế, bảo quản nông sản, tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Thực hiện có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp, đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 807 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó có hàng trăm doanh nghiệp đã và đang đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp, từ lúa, cây thức ăn chăn nuôi đến các loại cây rau màu phục vụ xuất khẩu, chế biến. Thông qua thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp, nên mỗi năm có tới hàng chục nghìn ha cây trồng được liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. Riêng trong năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 60.500 ha cây trồng các loại được liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến lúa gạo gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân, như: Công ty CP Thương mại Sao Khuê, Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Công ty TNHH Nông sản An Thành Phong, Công ty TNHH Giống cây trồng Bắc Trung bộ... Các doanh nghiệp này đều trực tiếp thu mua lúa tươi tại ruộng cho bà con nông dân, với giá cao hơn từ 10 đến 15% so với giá thị trường. Đối với cây rau màu, cũng đã có hơn 20 doanh nghiệp lớn trong, ngoài tỉnh và hàng trăm doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, với diện tích gần 6.000 ha mỗi năm. Một số loại cây rau màu có diện tích liên kết và bao tiêu sản phẩm lớn, như: ớt 2.200 ha, khoai tây 800 ha, rau cải chân vịt 300 ha, đậu tương rau 200 ha, hành tỏi 150 ha, ngô ngọt 200 ha... Trong chăn nuôi cũng đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, nhất là chăn nuôi gà theo hình thức nuôi gia công cho các tập đoàn chăn nuôi lớn trong nước.
Được đánh giá là doanh nghiệp có sự liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm bền vững với bà con nông dân trên địa bàn tỉnh, những năm qua, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình) đã không ngừng mở rộng diện tích liên kết, xây dựng các vùng sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các cây rau, củ, quả làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu, như: ngô ngọt, đậu tương rau, rau chân vịt, chuối tiêu hồng, dứa gai... Đến nay, tổng diện tích công ty thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm đạt tới 2.300 ha mỗi năm tại 12 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cho biết: Sở dĩ công ty có thể duy trì ổn định và không ngừng mở rộng vùng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây trồng chế biến là do quá trình thực hiện liên kết, công ty đã nhận được sự tạo điều kiện, hỗ trợ cả về thủ tục, điều kiện sản xuất và chính sách hỗ trợ của tỉnh Thanh Hóa. Bản thân doanh nghiệp cũng luôn nỗ lực trong việc thực hiện đúng các điều khoản cam kết như trong hợp đồng, chia sẻ khó khăn đối với bà con nông dân để luôn bảo đảm lợi ích cho người dân, từ đó tạo lập mối quan hệ bền chặt giữa doanh nghiệp và nông dân.