Đẩy mạnh thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình
Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, các địa phương đẩy mạnh thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ). Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của gia đình trong sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người Nam Định đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững; nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực gia đình; tích cực phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng BLGĐ trong đời sống xã hội.
Vào các dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động quốc gia về phòng, chống BLGĐ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) tổ chức nhiều hoạt động phong phú nhằm tôn vinh vai trò gia đình, văn hóa gia đình như: giao lưu các mô hình câu lạc bộ (CLB) gia đình hạnh phúc, bền vững; trưng bày, nói chuyện chuyên đề, tọa đàm với các chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”, “Phụ nữ với gia đình”, “Bữa cơm gia đình ấm áp, yêu thương”; giao lưu văn hóa, văn nghệ… Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch” với các tiêu chí: không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có BLGĐ, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức nhiều chương trình có ý nghĩa thiết thực nhân Tháng hành động vì trẻ em, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa xâm hại, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; đẩy mạnh truyền thông về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa tai nạn, thương tích trẻ em. Công an tỉnh thực hiện các kế hoạch phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi giai đoạn 2021-2025...
Trong các năm 2023, 2024, Sở VH, TT và DL đã chủ trì tổ chức diễn đàn “Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam thời kỳ 4.0”; lồng ghép các nội dung công tác gia đình trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các cuộc vận động, phong trào, mô hình có liên quan của các cơ quan, đơn vị, địa phương phát động và tổ chức; tổng hợp, biên tập tài liệu hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi, bổ sung năm 2022); tổ chức hội nghị chuyên đề “Ngày Gia đình Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống BLGĐ”, hội nghị tập huấn triển khai Luật Phòng, chống BLGĐ và Nghị định về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư tới đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố và công chức phụ trách văn hóa - xã hội các xã, phường, thị trấn của tỉnh.
Các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh, cổng/trang thông tin điện tử, tuyên truyền lưu động về ý nghĩa của các ngày kỷ niệm với các nội dung liên quan đến công tác gia đình như: Luật Phòng, chống BLGĐ; Luật Bình đẳng giới; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình trong tình hình mới… Các huyện: Xuân Trường, Hải Hậu, Trực Ninh, Giao Thủy tổ chức ký cam kết về phòng, chống BLGĐ tới địa bàn các thôn, xóm, tổ dân phố; lồng ghép tuyên truyền công tác gia đình trong các sinh hoạt cộng đồng, lễ hội và hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở, các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng. Các huyện: Nam Trực, Nghĩa Hưng in tờ gấp tuyên truyền về công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ. Các huyện: Vụ Bản, Ý Yên, thành phố Nam Định tổ chức hội nghị đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, lồng ghép cùng các chương trình trợ giúp pháp lý, các buổi sinh hoạt thường kỳ của các hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội phòng, chống BLGĐ…
Các hoạt động tuyên truyền, vận động được thực hiện bằng nhiều hình thức đã tạo hiệu ứng xã hội tích cực, tôn vinh những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Thông qua các đợt tuyên truyền nhằm phổ biến kiến thức về gia đình, bảo vệ phụ nữ và trẻ em, phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng BLGĐ, giảm thiểu tình trạng ly hôn, thực hiện công tác bình đẳng giới trong gia đình và xã hội. Đồng thời đề cao trách nhiệm của gia đình đối với việc giáo dục các thành viên trong gia đình có lối sống lành mạnh, trung thực, nhân ái, thủy chung, tôn trọng kỷ cương để xây dựng gia đình đảm bảo các tiêu chí “no ấm, hòa thuận, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh và phát triển bền vững”, góp phần xây dựng gia đình văn hóa thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Công tác xây dựng gia đình văn hóa được triển khai gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Sở VH, TT và DL đã tham mưu, hướng dẫn các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình văn hóa, chú trọng đến nâng cao chất lượng bằng việc tuân thủ quy trình đăng ký, bình xét và công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” theo Nghị định số 122/NĐ-CP của Chính phủ; bổ sung các tiêu chí về bình đẳng giới, gia đình không bạo lực vào việc bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa” và thực hiện hương ước, quy ước thôn, xóm, tổ dân phố theo Nghị định số 61/NĐ-CP của Chính phủ. Tỷ lệ gia đình văn hóa toàn tỉnh hằng năm luôn đạt từ 90-95%. Các gia đình văn hóa đã phát huy vai trò tự quản trong việc giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở; giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc; hạn chế và từng bước loại bỏ những hủ tục lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư. Để công tác phòng, chống BLGĐ ngày càng hiệu quả, các địa phương trong tỉnh đã thành lập gần 200 mô hình phòng, chống BLGĐ theo chuẩn của Bộ VH, TT và DL, hơn 300 mô hình an toàn cho phụ nữ và trẻ em, gần 300 CLB gia đình phát triển bền vững, hơn 900 nhóm phòng, chống BLGĐ, hơn 1.000 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng và số điện thoại đường dây nóng. Các mô hình, nhóm, CLB tổ chức các hoạt động, sinh hoạt đa dạng như: xây dựng gia đình văn hóa, ứng xử văn minh; cách ứng xử, xử lý mâu thuẫn trong gia đình; các biện pháp phòng, chống BLGĐ; phê phán các hành vi BLGĐ; phổ biến các kiến thức chăn nuôi, phát triển kinh tế…; qua đó đã từng bước ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi BLGĐ, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ BLGĐ đến các mối quan hệ, từng cá nhân trong gia đình và xã hội.
Xác định “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong mỗi gia đình có ý nghĩa tiên quyết để xây dựng nền tảng văn hóa vững chắc, điểm tựa cho sự phát triển của con người và xã hội, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển”, ngày 8/7/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 102/KH-UBND triển khai thi hành Luật Phòng, chống BLGĐ, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố Nam Định tăng cường rà soát, kịp thời tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc trực tiếp ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách pháp luật, kế hoạch về phòng, chống BLGĐ, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống BLGĐ và yêu cầu thực tiễn của từng địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Phòng, chống BLGĐ; nghiên cứu biên tập các tài liệu tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống BLGĐ để cung cấp đến cơ sở.
Bằng những hoạt động thiết thực, cụ thể của các cấp, các ngành, công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng danh hiệu “Gia đình văn hóa” được nâng cao, đảm bảo thực chất; tình trạng BLGĐ được ngăn chặn, xử lý kịp thời; khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa sâu sắc, tầm quan trọng của gia đình đối với sự phát triển xã hội, đất nước.