Đẩy mạnh trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số
Từ khi thành lập hệ thống Trợ giúp pháp lý (TGPL) đến nay, Việt Nam đã ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong việc trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Những rào cản trong việc thực hiện TGPL
Thực hiện chính sách TGPL theo Luật TGPL cho người dân tộc thiểu số, các Trung tâm TGPL nhà nước trên toàn quốc đã có nhiều nỗ lực để cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí bằng các hình thức, như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng… Qua đó giúp đồng bào dân tộc thiểu số giải quyết các vướng mắc pháp luật trong các lĩnh vực pháp luật hình sự, dân sự, đất đai, hôn nhân - gia đình, hành chính - khiếu nại, tố cáo…
Người dân tộc thiểu số phân bố không đều, tập trung nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc, như: Cao Bằng (92,7%), Hà Giang (88,5%), Bắc Kạn (88,3%), Sơn La (84,7%), Lai Châu (84,5%), Lạng Sơn (84,3%), Điện Biên (84,2%), Hòa Bình (75,9%), Lào Cai (66,3%), Tuyên Quang (57,1%), Yên Bái (56,2%). Do đó, số vụ việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số tập trung phần lớn tại các địa phương này.
Tuy nhiên, công tác TGPL cho người dân tộc thiểu số vẫn còn gặp phải rất nhiều khó khăn, rào cản. Chẳng hạn như, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn nên ít được tiếp cận với các thông tin về TGPL nên nhiều người chưa biết được quyền được TGPL của mình. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến việc triển khai hoạt động, sự tiếp cận của người dân với dịch vụ TGPL miễn phí của Nhà nước.
Chất lượng nguồn nhân lực làm công tác TGPL phát triển chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ công tác TGPL trong tình hình mới; đội ngũ trợ giúp viên pháp lý phát triển chậm, một số địa phương còn thiếu ổn định, chưa có đủ số lượng trợ giúp viên pháp lý cần thiết. Không những thế, năng lực tổ chức bộ máy cán bộ để triển khai thực hiện TGPL cho đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế do số lượng người thực hiện TGPL biết tiếng dân tộc còn ít nên một số trường hợp thực hiện TGPL phải thông qua lực lượng cán bộ tại chỗ phần nào cũng ảnh hưởng đến kết quả TGPL cho người dân do không kiểm soát được việc truyền đạt thông tin pháp luật.
Chất lượng vụ việc TGPL còn nhiều hạn chế, tập trung nhiều nhất ở 02 hình thức TGPL cơ bản là tư vấn pháp luật và tham gia tố tụng. Ở một số địa phương, có tình trạng người thực hiện TGPL (nhất là Luật sư mới hoặc luật sư già) chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ việc, không tham gia đầy đủ vào các hoạt động tố tụng (gặp bị can, bị cáo; thu thập chứng cứ…) hoặc có trường hợp khi ra Tòa thường chỉ đề nghị áp dụng các tình tiết giảm nhẹ nhưng không có lập luận hoặc chứng cứ cụ thể nên thiếu tính thuyết phục, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức TGPL cũng như chất lượng vụ việc TGPL và quyền, lợi ích hợp pháp của người được TGPL…
Nhiều cách làm sáng tạo
Tại Cao Bằng – một tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, phần lớn người dân (chiếm hơn 90%) là người dân tộc thiểu số thuộc diện được TGPL. Theo đó, bà con thiếu thốn rất nhiều về thông tin, kiến thức pháp luật nên khi có vướng mắc pháp luật, thậm chí quyền lợi hợp pháp của mình bị xâm phạm nhưng người dân không biết tìm đến đâu để giải quyết. Do đó, Trung tâm TGPL tỉnh Cao Bằng luôn ưu tiên tổ chức các hoạt động TGPL tại cơ sở, trực tiếp đến với người dân, giải đáp, hướng dẫn người dân cách thức để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình; hòa giải cho những vụ việc tranh chấp tưởng chừng như không thể “hóa giải” giữa chú cháu, anh em ruột, thậm chí là bố, mẹ và con đã kéo dài từ rất lâu.
Tại Lào Cai, công tác bảo đảm quyền được TGPL của người dân tộc thiểu số trong các vụ án đã được các cơ quan liên quan và những điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán quan tâm, kể cả trường hợp không thuộc án chỉ định theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự, các cơ quan tố tụng vẫn yêu cầu Trung tâm TGPL cử trợ giúp viên pháp lý tham gia TGPL cho đối tượng. Các vụ việc tư vấn đa số thuộc lĩnh vực pháp luật về dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, chế độ, chính sách... thực hiện trực tiếp tại trụ sở và thông qua tư vấn pháp luật lưu động. Ở xã An Lão, tỉnh Bình Định, bà con người dân tộc thiểu số đã được giải đáp các thắc mắc pháp luật thông qua các hình thức nói chuyện chuyên đề pháp luật về các luật cụ thể như Luật TGPL, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình…
Thôn Phiêng Sáp, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh là địa bàn sinh sống của phần lớn người Sán Chỉ (thuộc dân tộc Sán Chay), đời sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ dân hiểu và biết Luật Hôn nhân và Gia đình còn hạn chế, do đó trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Quảng Ninh đã giải thích cho bà con về hậu quả của việc kết hôn sớm, sinh con nhiều, gây ảnh hưởng đến cuộc sống; cung cấp mẫu “Đơn yêu cầu TGPL” để bà con chủ động nêu câu hỏi, tình huống cụ thể; phát miễn phí tờ rơi về pháp luật TGPL do Trung tâm biên soạn… Qua đó, góp phần hạn chế tình trạng tảo hôn, bạo lực gia đình trên địa bàn, nâng cao nhận thức để bà con có hành vi ứng xử phù hợp trong cuộc sống hằng ngày, đúng pháp luật.
Có thể nói, số người được TGPL trong các vụ án hình sự, dân sự phần lớn là người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nhiều bị can, bị cáo không biết chữ, không thông thạo tiếng phổ thông và thiếu hiểu biết về pháp luật nên dễ bị các đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như mua bán ma túy, buôn bán phụ nữ qua biên giới… Do đó, công tác TGPL phải giúp họ nâng cao hiểu biết về TGPL; giúp họ nắm vững và hiểu rõ thêm về quyền, nghĩa vụ công dân, nâng cao ý thức chấp hành luật pháp, xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu, đảm bảo người dân tộc thiểu số biết và thực hiện quyền của mình khi có vướng mắc pháp luật.