Đẩy mạnh trồng rừng gắn với chế biến
Tận dụng nguồn nguyên liệu và lao động dồi dào, những năm qua huyện Như Thanh đã có nhiều giải pháp thu hút các doanh nghiệp (DN), cơ sở chế biến lâm sản (CBLS), đặc biệt là lâm sản xuất khẩu (XK) vào địa bàn. Qua đó, góp phần tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Sản xuất ván ép phủ phim tại Công ty TNHH Lâm sản Đại Phát.
Cùng cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Thanh đến thăm Công ty TNHH Lâm sản Đại Phát ở Cụm công nghiệp xã Xuân Khang. Anh Vũ Đăng Bắc, Giám đốc công ty cho biết, nhận thấy nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ cho chế biến mặt hàng XK trên địa bàn huyện Như Thanh phong phú, và được sự quan tâm tạo điều kiện của huyện, xã, năm 2019 anh quyết định thành lập công ty và đầu tư 30 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, dây chuyền chế biến gỗ XK theo công nghệ tiên tiến của nước ngoài. Sản phẩm của công ty chủ yếu ván ép phủ phim, nan thanh, ván bóc, băm dăm phế phụ từ gỗ và được XK sang thị trường Trung Quốc và châu Âu. Trung bình mỗi năm, công ty sản xuất được 15.000m2 ván ép phủ phim, 60.000 tấn dăm gỗ XK, giá trị XK ước đạt 3 triệu USD, tạo việc làm cho gần 200 lao động, với mức thu nhập từ 7 đến 15 triệu đồng/người/tháng. Nguồn nguyên liệu chủ yếu trên địa bàn xã Xuân Khang và một số xã trong huyện. Hiện nay, công ty đang đề nghị huyện Như Thanh và một số sở, ban, ngành cấp tỉnh cho công ty liên kết với các hộ trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC để lấy nguyên liệu chế biến.
Huyện Như Thanh hiện có 22.660ha rừng trồng (chủ yếu là cây keo) nằm rải rác ở 14 xã, thị trấn. Đây được xem là ưu thế để huyện phát triển nghề CBLS, đặc biệt là lâm sản XK. Từ lợi thế trên, những năm qua huyện đã tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp nhằm tạo điều kiện thu hút các DN CBLS, nhất là chế biến sản phẩm XK có giá trị kinh tế cao như: gỗ ván ép công nghiệp, ván ghép thanh, hàng mộc cao cấp... Tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đồng hành cùng DN, qua đó tạo niềm tin cho DN yên tâm đầu tư vào địa bàn huyện. Ngoài ra, huyện còn tích cực tuyên truyền đến người dân trên địa bàn các xã thay đổi tập quán trồng rừng sản xuất nhằm xây dựng vùng nguyên liệu bền vững cho công nghiệp CBLS, trong đó tăng cường trồng rừng gỗ lớn. Đến nay, trên địa bàn huyện có 6 DN CBLS có quy mô lớn và hàng chục cơ sở quy mô vừa và nhỏ đang hoạt động. Nhiều DN, cơ sở CBLS đã đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm chủ yếu là gỗ ép MDF, ván phủ phim, ván sàn công nghiệp, thanh nan, ván bóc, gỗ dăm... Sản phẩm sau khi sản xuất, chế biến được xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu. Cùng với nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện Như Thanh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức và trách nhiệm của các DN, chủ các cơ sở CBLS trong công tác bảo vệ môi trường trong quá trình chế biến.
Theo số liệu thống kê, mỗi năm huyện Như Thanh cung cấp 126.185 tấn gỗ nguyên liệu cho các DN, cơ sở CBLS trên địa bàn huyện, giá trị ước đạt 609 tỷ đồng. Thời gian tới huyện Như Thanh sẽ tiếp tục tập trung phát triển vùng nguyên liệu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của nghề CBLS. Đồng thời, khuyến khích các cơ sở sản xuất, chế biến đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chế biến; chủ động thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ cho các DN, CSCB lâm sản.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/day-manh-trong-rung-gan-voi-che-bien-215077.htm