Đẩy mạnh truyền thông phòng ngừa ứng phó thiên tai
ĐBP - Thời tiết trên địa bàn huyện Điện Biên Đông diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều trận mưa đá, giông, lốc, sạt lở đất... gây thiệt hại nhiều tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai làm thiệt hại gần 15,5 tỷ đồng, ảnh hưởng lớn tới đời sống, sản xuất của nhân dân. Chính vì vậy công tác phòng chống được huyện chủ động các biện pháp thực hiện, trong đó nhóm giải pháp tuyên truyền, phổ biến thông tin, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó được chú trọng.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã Pu Nhi (huyện Điện Biên Đông) đánh giá tình hình điều chỉnh kế hoạch ứng phó với thiên tai, bão lụt và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 tại hội nghị diễn tập tháng 6/2021.
Từ đầu năm đến nay rét đậm, rét hại khiến hơn 5ha lúa ruộng tại các xã Na Son, Háng Lìa, Tìa Dình; hơn 3.450m2 nuôi thủy sản bị thiệt hại; 26 con gia súc bị chết rét. Mùa mưa năm 2020 đã có 303 nhà ở bị vỡ ngói, tấm lợp, tấm nóc... Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân; phát huy vai trò của MTTQ và khối đoàn thể từ huyện tới cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng chống thiên tai. Đội xung kích phòng chống thiên tai tại 14/14 xã, thị trấn được thành lập, kiện toàn là lực lượng “nòng cốt”, chủ lực trong trong công tác phòng chống thiên tai. Huyện cũng đã thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, thất thường. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra đôn đốc từ việc chuẩn bị nhân lực, dự trữ lương thực nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh dịch, phương tiện vật tư và trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó khi thiên tai xảy ra. Các cơ sở kinh doanh, cửa hàng thương nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn đã chủ động dự trữ lương thực thực phẩm các mặt hàng nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân... đảm bảo số lượng, chất lượng phòng khi có mưa lũ lớn xảy ra.
Huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện và các xã, thị trấn khắc phục kịp thời, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường liên bản, liên xã bị sạt lở thông tin liên lạc. Công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả phục hồi, tái thiết sau thiên tai được lãnh đạo huyện quan tâm chỉ đạo sát sao ngay từ đầu năm. Sau khi kết thúc đợt thiên tai, huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn triển khai đánh giá tình hình thiệt hại; xây dựng kế hoạch, huy động nguồn lực để khắc phục hậu quả. Cùng với các nguồn kinh phí dự phòng ngân sách huyện và các nguồn vốn khác, huyện đã tiến hành khắc phục sửa chữa kịp thời. Đồng thời thăm hỏi, động viên và hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại (năm 2020 tổng số tiền thăm hỏi, hỗ trợ 86 triệu đồng)...
Ông Nguyễn Trọng Huế, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Phó trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Điện Biên Đông cho biết: Với đặc thù của tiểu vùng khí hậu thường xuyên xảy ra hiện tượng rét đậm, rét hại, mưa đá, giông, lốc xoáy, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Để chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ thiên tai gây ra; Ban đã chủ động rà soát kiện toàn ban phòng chống thiên tai cấp xã; phân công nhiệm vụ cho từng tổ, nhóm, từng đồng chí trong ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện phụ trách từng địa bàn cụ thể. Căn cứ điều kiện thực tế từng xã, từng vùng, từng khu dân cư để có biện pháp đảm bảo an toàn. Khoanh vùng khu vực có địa chất xung yếu, lập danh sách các hộ gia đình sinh sống ở khu vực xung yếu cần phải sơ tán để có biện pháp sơ tán trước mùa mưa lũ để đảm bảo an toàn. Kiểm tra, rà soát các điểm, khu vực dân cư có thể xảy ra thiên tai mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá và những vùng thường có lũ lớn. Đồng thời chỉ đạo ủy ban nhân dân các xã, thị trấn và các bản có phương án phòng và di dời nhà cửa, vật chất cho các hộ nằm ở khu vực thấp lên khu vực cao có địa chất ổn định, thuận tiện giao thông (có thể gần trung tâm) để đảm bảo an toàn. Xây dựng, bổ sung kế hoạch phòng chống thiên tai, phương án ứng phó thiên tai với cấp các cấp độ rủi ro thiên tai; đặc biệt là tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ - lực lượng “nòng cốt” để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.