Đẩy mạnh truyền thông ứng dụng khoa học-công nghệ trong nông nghiệp
Trong khuôn khổ các hoạt động của sự kiện TechDemo 2019, sáng 26-11, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội thảo với chủ đề đẩy mạnh truyền thông về ứng dụng KH-CN trong lĩnh vực nông nghiệp. Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định, để KH-CN trở thành động lực thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững, ngoài công tác đầu tư nguồn lực thì truyền thông đóng vai trò rất quan trọng.
Truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng khẳng định: Truyền thông có vai trò hết sức quan trọng trong việc đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ KH-CN vào sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, các cơ quan truyền thông cần tiếp tục đồng hành phổ biến rộng rãi trong cộng đồng xã hội những kết quả về KH-CN do các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức KH-CN, doanh nghiệp đã làm ra và ứng dụng vào sản xuất. Từ đó có thể nhân rộng các ứng dụng KH-CN, giúp nông dân, doanh nghiệp tiếp thu, nắm bắt, áp dụng vào sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương và cả nước. Đồng thời, thông qua công tác truyền thông, có thể giúp người dân, các tổ chức, doanh nghiệp nắm được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KH-CN trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đánh giá công tác truyền thông về ứng dụng KH-CN trong lĩnh vực nông nghiệp tại Gia Lai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên cho rằng: Trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Gia Lai, truyền thông KH-CN giúp nông dân nắm bắt được các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, giống cây trồng, vật nuôi, các sáng chế mới, kết quả nghiên cứu… phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Từ đó, giúp bà con nông dân, các doanh nghiệp và hợp tác xã lựa chọn, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm sức lao động. Thông qua truyền thông KH-CN, nông dân có thể tìm được những cách làm ăn hay, tìm kiếm, liên kết với thị trường tiêu thụ cũng như những thông tin về công nghệ tiên tiến. Nhờ đó, nhiều địa phương trong tỉnh đã phát triển được các sản phẩm chủ lực, tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân. Có thể khẳng định, trong những năm qua, các cơ quan truyền thông đã nỗ lực trong việc chuyển tải những kiến thức KH-CN trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp nông dân có những kiến thức quý giá để áp dụng vào phát triển sản xuất và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông
Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến, nêu các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông về ứng dụng KH-CN trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông Hoàng Viết Chọn-Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Thanh Hóa-cho biết: Nhờ đẩy mạnh công tác truyền thông KH-CN mà nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, công tác truyền thông KH-CN trong lĩnh vực nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhất là nông dân ở vùng sâu, vùng xa có trình độ dân trí thấp, khả năng tin học còn hạn chế… Do đó, để nâng cao trình độ hiểu biết về KH-CN cho người dân ở khu vực nông thôn thì phải đẩy mạnh công tác đào tạo nhân sự truyền thông cấp cơ sở; tăng cường cơ sở vật chất hỗ trợ công tác truyền thông. Đồng thời, cần xây dựng chiến lược truyền thông cho từng thời kỳ, mỗi giai đoạn tập trung cho một chủ đề vừa phù hợp với mục đích của tổ chức, vừa đáp ứng yêu cầu của xã hội, như truyền thông qua các trang tin điện tử và các mạng xã hội, qua tạp chí, báo, bản tin và các ấn phẩm khác, qua truyền hình, phát thanh.
Theo ông Hoàng Trung Dũng-Phó Giám đốc Cơ quan Thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Nguyên, để công tác truyền thông về ứng dụng KH-CN trong lĩnh vực nông nghiệp đạt hiệu quả và có sức lan tỏa trong thời gian tới cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương. Theo đó, Bộ KH-CN, Bộ Nông nghiệp và PTNT, các sở, ngành ở địa phương cần có chiến lược, kế hoạch cụ thể cho hoạt động truyền thông KH-CN. Trong đó, việc phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị quản lý, nghiên cứu với các cơ quan truyền thông sẽ kịp thời cung cấp, chuyển tải những thông tin hữu ích cho người dân để có thể ứng dụng vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp. Các nhà khoa học, viện nghiên cứu cũng cần chủ động tạo điều kiện trong việc giới thiệu các đề tài nghiên cứu khoa học, kết quả nghiên cứu, tham gia vào các chương trình truyền thông nhằm góp phần xây dựng chương trình sinh động, thiết thực hơn là để phóng viên tự phản ánh, giới thiệu thay. Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng, với sự phát triển nhanh chóng của báo chí, công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng xã hội, các thông tin KH-CN trong lĩnh vực nông nghiệp đến với người dân rất đa dạng, kể cả vùng sâu nhưng thiếu kiểm chứng, khách quan. Do đó, các cấp quản lý cần tăng cường thông tin KH-CN chính thống, có sự tương tác trực tiếp với nông dân qua các phương tiện công nghệ hiện đại của các cơ quan báo chí hiện nay như điện thoại, trang web…
Kết luận hội thảo, ông Trần Quang Tuấn-Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH-CN (Bộ KH-CN) cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu. Đồng thời mong muốn trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông ứng dụng KH-CN trong lĩnh vực nông nghiệp bằng cách liên kết, đặc biệt là liên kết truyền thông giữa Trung ương và địa phương để các tỉnh, thành trên cả nước có thể học tập kinh nghiệm và ứng dụng.