Đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân
Với mục tiêu phấn đấu hết năm 2023, tỉnh Ninh Bình sẽ đạt tỷ lệ hơn 94% số người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đối thoại chính sách nhằm nâng cao nhận thức người dân, hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân.
Ông Đinh Nho Khánh, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Ninh Bình cho biết: Ngay từ đầu năm hàng năm, BHXH tỉnh đã xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, các tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến các chính sách mới về BHYT cho người dân, doanh nghiệp, người lao động bằng nhiều hình thức.
Đồng thời, thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp để cán bộ ngành BHXH được trao đổi, giải đáp những ý kiến, băn khoăn của người dân, giúp họ hiểu đúng, hiểu rõ về chính sách BHYT của Đảng và Nhà nước đối với cuộc sống của mỗi người dân và cộng đồng xã hội.
Đối với các Tổ chức dịch vụ thu, theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam, hiện nay, cơ quan BHXH đã ký hợp đồng ủy quyền thu với 6 Tổ chức dịch vụ thu, bao gồm: Trung tâm hỗ trợ dạy nghề (Hội Nông dân tỉnh); Bưu điện tỉnh Ninh Bình; Viettel Ninh Bình; Công ty TNHH TVXDTM & DVBH Trường Phúc; Công ty TNHH Bảo hiểm Quang Uy và Công ty TNHH dịch vụ Đào tạo và Bảo hiểm Phúc Lâm.
Theo đó, có hàng trăm nhân viên đại lý thu thuộc các Tổ chức dịch vụ thu cũng được quan tâm, tạo điều kiện, phát huy vai trò là những "cánh tay nối dài" của ngành Bảo hiểm trong công tác tuyên truyền các chính sách BHYT đến người dân.
BHXH Ninh Bình cũng mở các lớp tập huấn cho nhân viên các đại lý thu, điểm thu BHXH, BHYT để mở rộng mạng lưới tuyên truyền ở cơ sở. Phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tư vấn, đối thoại về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tới đông đảo các hội viên, người dân.
Tính đến hết tháng 6/2023, các Tổ chức dịch vụ thu trong tỉnh đang quản lý gần 240 nghìn người tham gia BHYT hộ gia đình, đạt tỷ lệ gần 90% so với chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao. Trong đó, một số tổ chức dịch vụ thu có tỷ lệ hoàn thành chỉ tiêu về BHYT hộ gia đình là Công ty TNHH dịch vụ Đào tạo và Bảo hiểm đạt 225,5%; Công ty TNHH Bảo hiểm Quang Uy đạt 95,71%; Bưu điện tỉnh đạt 77%... Tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh đạt 91,04% dân số.
Là một gia đình buôn bán nhỏ tại phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình), thời điểm trước, chị Trần Thị Hiền nghĩ mình còn trẻ khỏe, không quan tâm đến việc tham gia BHYT cho bản thân cũng như các thành viên trong gia đình. Ngoài 2 con đang đi học được hỗ trợ và đều đặn tham gia BHYT hàng năm, vợ chồng chị Hiền không mua BHYT cho mình.
"Cho đến khi tôi không may phát hiện một loại bệnh của phụ nữ và phải phẫu thuật, điều trị dài ngày. Mọi chi phí cho ca mổ, nằm viện, thuốc thang… tiêu tốn hơn 10 triệu đồng, trong khi những người tham gia BHYT chỉ phải chi trả khoảng hơn 1 triệu đồng. Từ đó tôi rút ra bài học là không thể chủ quan, lơ là với sức khỏe của mình và người thân trong gia đình. Vậy là 2 năm nay, tôi đều đặn tham gia BHYT hộ gia đình cho cả 2 vợ chồng. Với số tiền tham gia BHYT hơn 1 triệu đồng, nhưng chúng tôi được bảo vệ sức khỏe trong cả 1 năm, nên thấy thoải mái và rất yên tâm..." - chị Hiền khẳng định.
Cũng theo ông Đinh Nho Khánh, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Ninh Bình, từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở được điều chỉnh lên 1,8 triệu đồng/tháng theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Do đó, mức đóng và chế độ, quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) cũng được điều chỉnh phù hợp với quy định mới.
Hiện nay, chi phí cho một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (thấp hơn 223.500 đồng) thì người tham gia BHYT được thanh toán 100% chi phí. Khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng, mức chi phí cho 1 lần khám bệnh nêu trên sẽ thay đổi thành 270.000 đồng.
Theo đó, người có thẻ BHYT đi KCB đúng quy định, có tổng chi phí một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 270.000 đồng (tương đương 15% mức lương cơ sở) thì không phải thực hiện cùng chi trả. Như vậy, mức chi phí khám, chữa bệnh một lần được BHYT chi trả 100% này tăng thêm 46.500 đồng từ ngày 1/7/2023. Đây là một quyền lợi hưởng BHYT tăng lên khi lương cơ sở tăng.
Bệnh viện Mắt tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân BHYT khi đến khám, chữa bệnh.
Cùng với đó là việc thay đổi điều kiện hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh. Theo đó, ngoài các nhóm đối tượng chính sách, người tham gia BHYT chỉ được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh khi có đủ 5 năm tham gia BHYT liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. Tức là trong năm, nếu số tiền khám, chữa bệnh mà người bệnh đồng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì phần vượt quá 6 tháng lương cơ sở sẽ do quỹ BHYT thanh toán và người bệnh được chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh từ thời điểm này cho đến hết năm.
Do điều kiện đồng chi trả căn cứ theo lương cơ sở nên khi mức lương cơ sở thay đổi từ ngày 1/7, điều kiện để được miễn đồng chi trả cũng thay đổi theo. Cụ thể, từ đầu năm 2023 cho đến hết ngày 30/6, người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 8.940.000 đồng (6 tháng lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng) thì phần vượt quá 6 tháng lương cơ sở sẽ do quỹ BHYT thanh toán và người bệnh được chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh từ thời điểm này cho đến hết năm.
Còn từ ngày 1/7/2023, khi lương cơ sở tăng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên phải có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 10.800.000 đồng (6 tháng lương cơ sở) mới được hưởng các quyền lợi trên.
Hiện nay, BHXH tỉnh ký hợp đồng khám, chữa bệnh với 190 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh. Năm 2022, toàn tỉnh có gần 1,6 triệu lượt người đi khám, chữa bệnh BHYT và được quỹ BHYT chi trả 1.004 tỷ đồng. Ninh Bình là một trong những tỉnh không vượt dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT do Chính phủ giao.
6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có gần 850 nghìn lượt người đi khám khám, chữa bệnh BHYT, với số tiền chi trả gần 500 tỷ đồng. Đã có những trường hợp tham gia BHYT, khi mắc bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo được chi trả chi phí khám, chữa bệnh hàng trăm triệu đồng, yên tâm điều trị bệnh.
Việc tham gia BHYT là cần thiết và hết sức quan trọng bởi nó mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho mỗi người dân, mỗi gia đình và mang tính chia sẻ cộng đồng cùng hỗ trợ nhau. Tuy nhiên, qua thực tế, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT vẫn còn hạn chế. Đó là một bộ phận người dân chưa nắm rõ quy định mới của Luật BHYT.
Cùng với đó, độ bao phủ của BHYT vẫn chưa đồng đều tại các địa phương, nhất là ở các khu vực nông thôn, miền núi, vùng không còn được hỗ trợ tham gia BHYT như trước đây.
Với tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh hiện chiếm 91,04% dân số, còn gần 10% dân số chưa tham gia BHYT, ngành BHXH đã đề ra nhiều giải pháp cùng với các cơ quan, đơn vị, địa phương cùng thực hiện, góp phần thực hiện hiệu quả lộ trình BHYT toàn dân.
Trong đó, việc truyền thông chính sách BHYT đến với người dân được xem là một giải pháp rất hữu hiệu. Tuyên truyền sẽ giúp đưa chính sách đến với người dân sâu rộng hơn, bảo đảm cho người dân tiếp cận được và tham gia tích cực vào chính sách BHYT.
Cùng với đó, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện nghiêm chính sách pháp luật, các chương trình, kế hoạch về BHYT của Nhà nước, của tỉnh, của ngành...
Đồng thời, BHXH phối hợp với ngành Y tế, tạo điều kiện giúp các cơ sở y tế khám, chữa bệnh BHYT cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh, giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế thuận lợi, tiện ích, được chăm sóc sức khỏe tốt nhất để yên tâm và đồng thuận tham gia BHYT một cách bền vững.