Đẩy mạnh tuyên truyền: Giải pháp để thúc đẩy người Việt dùng hàng Việt

Khách hàng chọn mua hàng Việt tại Siêu thị Co.opmart Tuy Hòa. Ảnh: MINH NGUYỆT

Công tác tuyên truyền cần phải sâu rộng tạo sự thống nhất nhận thức, hành động trong Đảng và hệ thống chính trị, sự đồng thuận xã hội về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (gọi tắt là cuộc vận động)… Đây là một trong những mục đích đặt ra của Hướng dẫn 49-HD/BTGTW ngày 20/4/2022 về Đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động trong tình hình mới, vừa được Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Theo đó, công tác tuyên truyền cần phải sâu rộng tạo sự thống nhất nhận thức, hành động trong Đảng và hệ thống chính trị, sự đồng thuận xã hội về đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động; khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa; xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam; tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện cuộc vận động. Thông qua tuyên truyền, góp phần nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động theo Chỉ thị 03-CT/TW của Ban Bí thư. Công tác tuyên truyền về cuộc vận động cũng phải gắn với việc xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ chính trị của đất nước, bộ, ngành, địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả các chính sách thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và người tiêu dùng, vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền về cuộc vận động bằng nhiều hình thức phù hợp tới các cơ quan, đơn vị và các tổ chức chính trị - xã hội, Nhân dân nhằm khuyến khích và ưu tiên mua các sản phẩm hàng hóa Việt Nam.

Theo Hướng dẫn 49-HD/BTGTW, nội dung tuyên truyền bao gồm: chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cuộc vận động; khẳng định vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cuộc vận động; tuyên truyền phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động được nêu trong Chỉ thị 03-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ vai trò, lợi ích và hiệu quả của việc tham gia cuộc vận động; biểu dương những tập thể, cá nhân tích cực tham gia cuộc vận động; đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện cuộc vận động.

Các hình thức tuyên truyền sẽ được thực hiện trên báo chí, trang thông tin điện tử của các ban, bộ, ngành, địa phương và trên internet, mạng xã hội…

Nông sản Việt được bày bán tại Siêu thị Co.opmart Tuy Hòa được khách hàng tin tưởng lựa chọn mua sắm. Ảnh: THÚY HẰNG

Nông sản Việt được bày bán tại Siêu thị Co.opmart Tuy Hòa được khách hàng tin tưởng lựa chọn mua sắm. Ảnh: THÚY HẰNG

Chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động

Năm qua, dù chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng với sự phối hợp vào cuộc của ban chỉ đạo các cấp, các ngành, cuộc vận động trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Theo Ủy ban MTTQ tỉnh, có được kết quả này là nhờ các ngành thành viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh tiếp tục phối hợp thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân về việc hưởng ứng thực hiện cuộc vận động. Các cơ quan báo chí trong tỉnh thường xuyên phổ biến chủ trương, mục đích, ý nghĩa, kết quả thực hiện cuộc vận động trong các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề; đồng thời bám sát các sự kiện trong tỉnh có nội dung, hoạt động liên quan đến thực hiện cuộc vận động nhằm thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, góp phần định hướng và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, động viên mọi người ưu tiên dùng hàng Việt trong lựa chọn mua sắm phục vụ sinh hoạt gia đình và cơ quan, đơn vị. Các hoạt động kích cầu tiêu dùng, tổ chức và tham gia các hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn được các sở, ngành thường xuyên tổ chức và tham gia nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Là huyện miền núi, bà con dân tộc thiểu số chiếm số lượng lớn nên hàng năm Ban chỉ đạo cuộc vận động huyện Sông Hinh luôn chủ động phối hợp đưa hàng về nông thôn; đặc biệt là các chương trình giảm giá cho các hộ nghèo nhằm kích cầu tiêu dùng trong tầng lớp Nhân dân. Các doanh nghiệp tư nhân tại huyện này như Siêu thị điện máy Việt Đức, điện máy Chí Tâm, GMart, Việt Nhật… qua kênh truyền thanh truyền hình huyện cũng quảng bá các sản phẩm thương hiệu Việt, thu hút số lượng người đến mua hàng ngày càng nhiều hơn. Hiện trên địa bàn thị trấn Hai Riêng có 2 siêu thị đăng ký điểm bán hàng Việt là GMart và Việt Nhật. Ông Ma Van, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Sông Hinh cho hay: Cuộc vận động đã tác động tích cực đối với người tiêu dùng, thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt. Đặc biệt, tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số người dân đã quen và ưa dùng hàng hóa sản xuất trong nước.

Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh nhìn nhận: Qua cuộc vận động này, ý thức của người tiêu dùng đã có những chuyển biến tích cực, đã từng bước nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Do đó tâm lý sính ngoại của một bộ phận người tiêu dùng đã có sự thay đổi đáng kể.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả cuộc vận động trong thời gian tới, đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh cho biết sẽ phối hợp các ngành thành viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân về cuộc vận động, nhất là nghiêm túc quán triệt thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 92/KH-UBND ngày 11/5/2021 của UBND tỉnh triển khai thực hiện đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2025… nhằm tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện cuộc vận động. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc tiêu dùng hàng Việt Nam; xác định cuộc vận động trên địa bàn tỉnh là một giải pháp cần thiết, quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” qua nhiều năm triển khai thực hiện đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực và triển vọng về tiêu dùng hàng Việt. Thành tựu của cuộc vận động sẽ tiếp tục được tuyên truyền nhằm lan tỏa và phát huy trong thời gian tới, để hàng hóa Việt Nam không chỉ cung ứng, ưu tiên cho người Việt Nam mà còn được quảng bá đến bạn bè quốc tế.

Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/276740/day-manh-tuyen-truyen--giai-phap-de-thuc-day-nguoi-viet-dung-hang-viet.html