Đẩy mạnh tuyên truyền ngăn chặn xuất cảnh trái phép
Để ngăn chặn tình trạng người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, lực lượng Công an tỉnh đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nhân dân nắm rõ những hệ lụy, rủi ro tiềm ẩn khi đi 'lao động chui' bên xứ người.
Theo Đại úy Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó Đội trưởng Đội xuất nhập cảnh, Phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh, tình trạng công dân xuất cảnh trái phép diễn chủ yếu ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đa số công dân xuất cảnh trái phép đều sang Trung Quốc làm thuê do thiếu việc làm, thu nhập thấp không ổn định nhất là thời điểm nông nhàn; trình độ văn hóa người dân thấp, hiểu biết nhận thức pháp luật hạn chế. Trong khi đó nhu cầu sử dụng lao động phổ thông phía Trung Quốc ngày càng lớn. Việc đi xuất khẩu lao động chính ngạch đòi hỏi phải biết ngoại ngữ, tay nghề, chuyên môn và phải đóng phí cao. Đây là những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng người dân địa phương xuất cảnh đi “lao động chui” bên Trung Quốc.
Cán bộ Phòng An ninh Đối ngoại, Công an tỉnh tuyên truyền pháp luật về lĩnh vực xuất nhập cảnh cho người dân xã Kim Phú (Yên Sơn).
Việc người dân đi “lao động chui” luôn tiềm ẩn những rủi ro mà người lao động phải gánh chịu. Lý do là vì xuất cảnh trái phép không được pháp luật bảo hộ, người lao động phải sống chui lủi lẩn trốn sự truy bắt của lực lượng chức năng nước sở tại, điều kiện ăn uống, sinh hoạt kham khổ, thời gian và cường độ làm việc cao, công việc nặng nhọc, độc hại. Khi không may bị thương hoặc tai nạn mất mạng, người lao động không được bất cứ quyền lợi gì. Có rất nhiều trường hợp còn bị chủ lao động quỵt tiền công bằng nhiều thủ đoạn, thậm chí nhiều người bị đối tượng xấu đưa sang Trung Quốc chiếm đoạt tiền, tài sản. Một số phụ nữ trẻ, có nhan sắc phải đối mặt với nguy cơ bị ép làm gái mại dâm. Có nhiều trường hợp bị mất mạng khi “lao động chui” như tháng 7-2017, anh Trần Văn N, sinh 1990, trú tại xã Bằng Cốc (Hàm Yên) chết khi đi lao động tại Trung Quốc, nguyên nhân do làm việc quá vất vả, đột quỵ.
Ngoài ra, người dân bị các đối tượng xấu là những trường hợp đã từng có kinh nghiệm sinh sống lao động bên Trung Quốc, biết tiếng, hiểu biết cách thức đi lại, liên hệ được với giới chủ Trung Quốc để xin việc ở các nhà xưởng, nhà máy. Vì lợi ích được hưởng phí môi giới, nên các đối tượng xấu về Việt Nam lôi kéo, dụ dỗ những người có nhu cầu tìm việc làm đưa người sang Trung Quốc lao động làm thuê trái phép. Có trường hợp phụ nữ từng là nạn nhân của tội phạm mua bán người bị bán sang Trung Quốc, nay trở lại Việt Nam lại lừa chính người thân, bạn bè xuất cảnh trái phép sang bên đó với mong muốn đổi đời nơi xứ người.
Trước thực trạng đó, song song với công tác đấu tranh, triệt phá các đường dây đưa người xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, lực lượng Công an toàn tỉnh đã tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân về lĩnh vực xuất, nhập cảnh. Thực tế, việc người dân được tuyên truyền sẽ tác động rất lớn tới ý thức chấp hành quy định của pháp luật của người dân.
Cuối tháng 11 vừa qua, Phòng An ninh Đối ngoại Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Yên Sơn tổ chức buổi tuyên truyền pháp luật về lĩnh vực xuất nhập cảnh cho trên 180 cán bộ xã và các thôn trên địa bàn xã Kim Phú (Yên Sơn) tham gia. Nội dung thông tin về thủ đoạn của các đối tượng rủ rê, tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép. Người lao động đối mặt với nhiều rủi ro khi đi “lao động chui” như phải làm việc trong môi trường độc hại, không được pháp luật bảo hộ, điều kiện ăn uống kham khổ, dễ bị chủ quỵt tiền...
Ông Tô Văn Thế, người uy tín thôn 9, xã Kim Phú chia sẻ: “Được tuyên truyền về những rủi ro tiềm ẩn, có thể phải đánh đổi cả tính mạng của mình khi xuất cảnh trái phép làm việc bên Trung Quốc, không riêng gì tôi, mà mọi người đều hiểu và không dám cho con cháu đi “lao động chui”. Tôi sẽ khuyên con cháu nếu cần đi làm việc, sẽ xin làm việc ở các khu công nghiệp trong nước để đảm bảo quyền lợi, vì sự an toàn”.
Trong năm 2019, lực lượng Công an toàn tỉnh đã tổ chức được 90 buổi tuyên truyền pháp luật về lĩnh vực xuất nhập cảnh cho trên 8.000 lượt người dân tại các xã Đà Vị, Khâu Tinh, Yên Hoa (Na Hang), Xuân Lập (Lâm Bình), Kim Phú (Yên Sơn)... Nhờ đó, tình trạng công dân xuất cảnh trái phép và nghi xuất cảnh trái phép giảm 15,6% so với năm 2018 (năm 2018 có 2.018 người, năm 2019 có 1.702 người), góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.