Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá trong cơ sở giáo dục và đào tạo

Thời gian qua, trong các cơ sở giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) trên địa bàn tỉnh, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như thông tin liên quan đến công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá luôn được chú trọng và đẩy mạnh. Từ đó, làm chuyển biến nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên về tác hại của thuốc lá, tác hại của việc hút thuốc lá thụ động.

Theo đó, các cơ sở GD-ĐT trong tỉnh đẩy mạnh hình thức, lựa chọn nội dung tuyên truyền, thông tin, truyền thông về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tại các trường học, thực hiện dạy tích hợp vào các bộ môn nội dung quan trọng, cơ bản về tác hại của thuốc lá, những lợi ích của việc không hút thuốc lá chủ động, không hút thuốc lá thụ động, trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ môi trường làm việc, học tập và sinh hoạt. Các tổ chức đoàn thể tổ chức vận động các thành viên giảm hút tiến đến không hút thuốc lá, tham gia kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Đưa nội dung thanh tra, kiểm tra vào việc chấp hành pháp luật về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, đồng thời cũng là một tiêu chí về thi đua khen thưởng để xem xét kết quả thi đua cuối năm học của từng cá nhân, tổ chức, đơn vị. Song song đó, thực hiện việc cấm hút thuốc hoàn toàn tại các cơ sở GD-ĐT theo quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá và có treo bảng cấm hút thuốc lá.

Đồng thời, trong từng tháng và đợt cao điểm nhân Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 – 31-5 và Ngày Thế giới không thuốc lá 31-5 hàng năm, các cơ sở GD-ĐT tổ chức thông tin, tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản có liên quan. Tham gia các phong trào, hoạt động truyền thông, các buổi nói chuyện chuyên đề do các sở, ban ngành tổ chức; phối hợp với công đoàn, đoàn thanh niên, hội sinh viên lồng ghép các nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào các hoạt động đoàn thể, nhằm nâng cao sức khỏe cho viên chức, người lao động đang công tác tại trường. Treo, gắn bảng cấm hút thuốc, các áp phích, khẩu hiệu, panô tại trường với nội dung liên quan đến phòng, chống tác hại thuốc lá.

Đặc biệt, một số trường học còn thiết kế khu vực dành cho người hút thuốc lá; khuyến khích cán bộ, viên chức còn thói quen hút thuốc đến khu vực dành cho người hút thuốc lá… Đẩy mạnh phong trào xây dựng “Môi trường không khói thuốc”.

Kết quả, hàng năm 100% cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở GD-ĐT tổ chức thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các quy định khác của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Có 100% công chức, viên chức, người lao động thuộc ngành GD-ĐT, học sinh, sinh viên chấp hành nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá các quy định khác của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện xây dựng môi trường không khói thuốc trong các cơ sở GD-ĐT cũng gặp nhiều khó khăn do các yếu tố chủ quan và khách quan.

Tuy vậy, nhìn chung qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã triển khai tại các cơ sở GD-ĐT đã góp phần nâng cao nhận thức về các tác hại của việc hút thuốc lá đối với sức khỏe con người, thực hiện không hút thuốc trong khuôn viên trường học, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của việc thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở GD-ĐT. Xây dựng môi trường làm việc, học tập không khói thuốc lá, góp phần vào mục tiêu giữ gìn, bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe cho cộng đồng.

KGT

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/suc-khoe-va-doi-song/day-manh-tuyen-truyen-phong-chong-tac-hai-cua-thuoc-la-trong-co-so-giao-duc-va-dao-tao-41567.html