Đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng kế hoạch cụ thể để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống

Chiều 28-3, Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức tiếp tục làm việc.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.

Cùng dự có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cùng các cán bộ chủ chốt các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong toàn hệ thống chính trị và đông đảo cán bộ, đảng viên...

Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội còn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo HĐND, UBND thành phố, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; trưởng các tổ chức chính trị - xã hội thành phố Hà Nội; lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố...

Các đồng chí lãnh đạo thành phố dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Trong buổi chiều 28-3, hội nghị đã nghe Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng truyền đạt chuyên đề "Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam".

Thượng tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, quốc phòng là công cuộc giữ nước bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, bảo vệ đất nước, giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy; sẵn sàng đánh thắng mọi hình thái chiến tranh xâm lược nếu xảy ra.

Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày chuyên đề: “Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam”. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Phân tích bối cảnh quốc tế và khu vực, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, trong những năm tới, dự báo môi trường chính trị, an ninh thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó dự báo. "Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác. Bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, xâm phạm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam đều là đối tượng của nước ta", Thượng tướng Phan Văn Giang nói.

Thông tin về nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Phan Văn Giang nêu rõ, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; sức mạnh tổng hợp của đất nước cả về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, lực lượng vũ trang làm nòng cốt.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ "trọng yếu, thường xuyên", là cơ sở tiền đề tạo thuận lợi cho nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế. Kinh tế phát triển, đất nước mạnh lên sẽ là "phương thức hữu hiệu" để bảo vệ Tổ quốc. Đây là quan điểm lý luận cơ bản, chi phối, quy định toàn bộ các nội dung về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới…

Đặt nhân tố con người, an ninh con người làm trung tâm của mọi hoạt động

Cũng trong chiều 28-3, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã quán triệt chuyên đề: “Những nhận thức mới và tư duy mới về an ninh quốc gia”.

Đại tướng Tô Lâm cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng ngày nay, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: Vấn đề an ninh quốc gia cần được hiểu một cách toàn diện hơn, rộng hơn, sâu hơn, không chỉ có các vấn đề an ninh chính trị, quân sự truyền thống, mà còn bao quát cả những vấn đề an ninh phi truyền thống, như: An ninh mạng, khủng bố, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh tài chính - tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh môi trường…

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định. Dưới góc độ thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc gia, đất nước ta đang đứng trước 3 thách thức lớn đe dọa trực tiếp đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Trong đó, nguy cơ mất an ninh chính trị nội bộ, suy giảm thế trận lòng dân, làm suy yếu sức chiến đấu của Đảng, của chế độ ta từ gốc, từ bên trong là nguy hiểm nhất.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày chuyên đề: “Những nhận thức mới và tư duy mới về an ninh quốc gia”. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định mục tiêu tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Văn kiện Đại hội bên cạnh việc tiếp tục khẳng định vấn đề: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa” còn nhấn mạnh: “Xác định chủ động phòng ngừa là chính”. Vì vậy, bảo vệ an ninh quốc gia mang “tính phòng ngừa” rất cao; là sự kế thừa truyền thống, nghệ thuật cách mạng của dân tộc, của cha ông ta “giữ nước từ khi nước chưa nguy”.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, những tư duy mới về quốc phòng, an ninh thể hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh phải phù hợp và gắn bó chặt chẽ với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước; đồng thời, sự khẳng định này cũng thể hiện tư duy, định hướng phát triển lĩnh vực quốc phòng, an ninh, vừa khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế vừa phát huy được sức mạnh thời đại trong bảo vệ an ninh quốc gia.

Khẩn trương đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Phát biểu bế mạc hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng của Đảng, của mỗi tổ chức Đảng, đồng thời cũng là vinh dự, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên.

Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, thành công của hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt nhận thức đối với cán bộ, đảng viên, là cơ sở để các tổ chức Đảng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết.

Quang cảnh hội nghị.

Trên tinh thần đó, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nêu 5 vấn đề lớn đề nghị các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương và các tổ chức Đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Trong đó, đồng chí đề nghị, ngay sau hội nghị, các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức học tập và thực hiện Nghị quyết một cách thường xuyên; biểu dương, khen thưởng những đơn vị làm tốt, nhắc nhở, phê bình, xử lý theo quy định của Đảng đối với các đơn vị, cá nhân thực hiện không nghiêm túc và không hiệu quả.

“Các cơ quan giảng dạy, nghiên cứu lý luận chính trị của Đảng bám sát Nghị quyết và các Văn kiện Đại hội Đảng; khẩn trương xây dựng nội dung, cập nhật, bổ sung hoàn thiện chương trình, giáo trình giảng dạy lý luận sát với từng đối tượng cụ thể và xây dựng các chương trình, các đề tài nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Hương Ly - Ảnh: Quang Thái

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/994772/day-manh-tuyen-truyen-xay-dung-ke-hoach-cu-the-de-som-dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song