Đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa

Với diện tích canh tác lúa hàng năm trên 355.000ha, sản lượng trên 2,2 triệu tấn đã góp phần lớn vào sự phát triển kinh tế tỉnh nhà. Để nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận trong khâu sản xuất lúa trước những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt cũng như sự thiếu hụt lao động thì việc nông dân ứng dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng (từ khâu làm đất, gieo sạ, cho đến thu hoạch) đã giúp nông dân phát triển nghề làm nông bền vững.

Một trong những chiếc máy nhiều nông dân canh tác lúa đặc biệt quan tâm do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp Công ty Sài Gòn Kim Hồng giới thiệu đó là máy sạ lúa theo cụm, công dụng của máy nhằm rút ngắn quy trình gieo mạ trong canh tác lúa. Chiếc máy sạ lúa theo cụm có tính năng nổi trội hơn nhiều so với các loại máy sạ dùng sức người kéo, bởi máy hoạt động bằng động cơ, khi hạt lúa qua quá trình ngâm ủ, đưa vào máy thì người điều khiển cho máy hoạt động chỉ trong thời gian ngắn đã hoàn thành công đoạn sạ, giảm đáng kể thời gian lao động, kể cả không tốn nhân công tham gia vào quá trình sạ.

Máy sạ lúa theo cụm giảm hơn 50% lượng giống gieo sạ. Ảnh: THÚY LIỄU

Máy sạ lúa theo cụm giảm hơn 50% lượng giống gieo sạ. Ảnh: THÚY LIỄU

Theo đó, máy sạ lúa theo cụm có tổng số 10 hộp chứa lúa được gắn phía sau đuôi máy, hạt lúa sau khi trải qua khâu ngâm nảy mầm bỏ trực tiếp vào hộp sẽ được máy sạ và hộc gieo hạt có thể điều chỉnh từ 2 - 30 hạt, kèm theo đó hàng cách hàng gieo sạ 25cm cố định. Đồng thời, lợi thế của máy sạ cụm là có thể gắn với bất kỳ máy nào đang có trên thị trường, không cần gieo mạ và chi phí đầu tư làm mạ khay cho máy cấy; máy có thể điều chỉnh trong quá trình gieo hạt; rễ lúa sau khi gieo sạ phát triển liên tục không bị gián đoạn như lúa cấy, thân cây mập mạp, tỷ lệ chồi hữu hiệu cao, không đổ ngã so với sạ lan, công suất máy gieo sạ là 1 giờ/ha và giá của đuôi máy là 150 triệu đồng nếu mua cả máy hơn 400 triệu đồng.

Để nông dân thấy thực tế các tính năng của máy sạ lúa theo cụm khi áp dụng vào sản xuất lúa, Trung tâm Khuyến nông đã thí điểm thực hiện mô hình tại hộ ông Quang Thành Vinh, Khóm 7, Phường 8 (TP. Sóc Trăng). Sau 3 tháng triển khai trình diễn máy sạ lúa theo cụm tại ruộng lúa trên diện tích 4ha của hộ ông Vinh, với lượng giống gieo sạ 80kg/ha, giống lúa OM 4900 hiện lúa đã thu hoạch xong, năng suất lúa đạt 6,2 tấn/ha, giá bán 6.000 đồng/kg, trừ chi phí chủ ruộng thu về lợi nhuận hơn 18 triệu đồng/ha. Ông Quang Thành Vinh chia sẻ: “Tôi có tổng diện tích đất sản xuất lúa 6ha, mấy mươi năm gắn bó nghề nông, hầu hết các vụ lúa trong năm tôi đều xuống giống bằng tay trong khâu gieo sạ khi tìm nhân công phụ, lúa đem ra đồng phải khuân vác rất vất vả nên việc đưa máy sạ lúa theo cụm xuống ruộng sạ thử nghiệm, tôi thấy bản thân đã giải phóng được sức lao động. Máy sạ lúa theo cụm giảm lượng giống gieo sạ hơn 50%; giảm thuê mướn công lao động 20% và trong quá trình lúa sinh trưởng ít bị sâu bệnh, lúa to chắc hạt, cứng cây không bị đổ ngã, lúa có hàng đều thẳng đẹp, hạt lúa sáng màu. Đồng thời, lợi thế của máy sạ cụm là có thể gắn với bất kỳ máy nào đang có trên thị trường”.

Đại diện Công ty Sài Gòn Kim Hồng, thông tin: “Công ty chúng tôi đã đến hầu hết các tỉnh ĐBSCL để trình diễn máy sạ lúa theo cụm và đánh giá năng suất tại một số tỉnh như: Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng… lúa đều đạt năng suất tốt và năng suất lúa tăng 20 - 30% so với lúa sạ tay. Tại tỉnh Hậu Giang, kết hợp khâu gieo cấy và cơ giới hóa đồng ruộng, năng suất lúa đạt được 9,2 tấn/ha và bón phân vùi, năng suất lúa đạt 9,7 tấn/ha”.

Trưởng Phòng Kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông tỉnh) Nguyễn Thanh Hải thông tin: “Việc ứng dụng cơ giới hóa trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã bắt đầu phát triển mạnh mẽ tại Sóc Trăng trong những năm gần đây. Tính đến thời điểm này, cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 98%, cơ giới hóa trong khâu gieo trồng đạt 65%, cơ giới hóa trong khâu chăm sóc đạt 85% và cơ giới hóa trong khâu thu hoạch đạt 98%. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tăng cường triển khai các chính sách giúp bà con giải quyết được bài toán chi phí khi có nhu cầu mua sắm thiết bị nhằm tạo mọi điều kiện để 100% nông dân canh tác lúa tại tỉnh đều có thể tiếp cận với cơ giới hóa trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, cơ giới trong khâu sản xuất lúa là điều rất cần thiết, giải quyết được bài toán thiếu lao động, giúp bà con giảm chi phí, nâng cao năng suất, hạ chi phí đầu tư sản xuất…”.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe/day-manh-ung-dung-co-gioi-hoa-trong-san-xuat-lua-43248.html